Quy hoạch Thủ đô: Vì đâu nên nỗi? - Bài cuối:

Trụ sở, nhà máy biến thành cao ốc

Dự án cao ốc Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan).
Dự án cao ốc Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan).
TP - Câu chuyện di dời trụ sở bộ ngành, nhà máy ra khỏi nội thành để giảm áp lực hạ tầng giao thông là một trong nhiều giải pháp mà Hà Nội (trong Luật Thủ đô) từng đưa ra. Tuy vậy, đến nay không những không di chuyển mà cao ốc liên tiếp được nhồi vào nội đô…

Chưa di dời đã thành cao ốc

Câu chuyện di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành, trường học… ra khỏi nội đô Hà Nội dù thực hiện nhiều năm, nhưng kết quả lại trái ngược với mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, chưa có một trường học nào ở các quận nội thành di chuyển sinh viên ra ngoại thành. Nhiều bệnh viện không những không di chuyển lại tiếp tục xây những toà nhà mới như: Bạch Mai, Việt Đức. Riêng trụ sở bộ ngành là điều mà dư luận thắc mắc nhất khi đã xây dựng trụ sở mới nhưng trụ sở cũ vẫn sử dụng như: Bộ Tài nguyên& Môi trường, Bộ Nội vụ…

Điểm nhức nhối nhất là các nhà máy, công ty trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông trong nội đô, nhưng lại đua nhau xin chuyển đổi thành những tòa nhà cao tầng và được cấp phép xây dựng nhanh chóng. Tại Quyết định số 5429 của UBND TP Hà Nội ngày 29/9/2016 cho phép Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam - Cty cổ phần chuyển mục đích sử dụng 38.609 m2 đất (tại số 32 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai) để thực hiện dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Eco Lakeview.

“Tôi cũng là một người dân, đi làm hằng ngày phải chịu tắc đường nên mình cũng muốn làm sao cho tốt. Quy hoạch Thủ đô của một nước là vấn đề rất lớn. Nếu ta không quyết liệt và có những kế hoạch dài hạn thì không giải quyết được bài toán quy hoạch”. 

KTS Nguyễn Huy Khanh (Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Cũng căn cứ vào Quyết định trên, ngày 17/10/2016, Sở Xây dựng Hà Nội ký giấy phép xây dựng số 83 cho Cty CP Ecoland (đại diện liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam - Cty cổ phần, Cty CP Sông Đà 1.01 và Cty CP Ecoland). Theo đó, trên mảnh đất chuyển đổi trên được phép xây dựng 3 công trình. Cụ thể, công trình số 1: Dịch vụ đỗ xe cao tầng (9 tầng+ tum thang và 3 tầng hầm); Công trình số 2: Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại (32 tầng+ tum thang và 3 tầng hầm); Công trình số 3: Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại (32 tầng + tum thang và 3 tầng hầm). Ba công trình lớn được xây dựng trên con phố nhỏ Đại Từ vốn thường xảy ra ùn tắc.

Cũng một ví dụ khác, Cty Prosimex với lý do làm ăn thua lỗ đã hợp tác với Cty Videc để xây dựng Dự án Riverside Garden (349 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) trên đất mà Cty Prosimex đang tọa lạc. Ngày 29/12/2015, Cty Prosimex được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi sử dụng hơn 8.800m2 đất để thực hiện dự án khu nhà ở để bán kết hợp với văn phòng và dịch vụ. Theo đó, một toà cao ốc 32 tầng với 572 căn đang được xây dựng. Quy mô dân số tại đây dự kiến khoảng 2.000 người.

Đang có vấn đề trong giảm tải quy hoạch đô thị

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Đình Đức, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phân tích: Việc nhồi quá nhiều nhà cao tầng vào nội đô Hà Nội sẽ xảy ra tình trạng quá tải lên hạ tầng và sự gia tăng dân số kinh khủng như hiện nay. Quá tải về hạ tầng dẫn đến ách tắc và điển hình là đường Lê Văn Lương và Tố Hữu như Tiền Phong đã phản ánh mới đây. Đây là biểu hiện của quy hoạch không phù hợp với nhu cầu cuộc sống.

Theo ông Đức, hiện đang có một cuộc chạy đua liên quan đất trụ sở công ty, nhà máy thành cao ốc trong nội đô. Mọi giải pháp về giảm tải quy hoạch đô thị đang có vấn đề. Chủ đầu tư sẽ đặt vấn đề lợi nhuận và đấy là nguyên nhân vì sao mới có chuyện cao tầng nhiều ở nội đô. “Muốn hỏi vì sao lại như vậy, phải hỏi những người đã phê duyệt. Nhưng rõ ràng quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch đi sau sẽ không có cái nhìn đầy đủ, giải quyết vấn đề mà hậu quả xảy ra là tất yếu. Trong quá trình phát triển của thành phố, có điều chỉnh quy hoạch nhưng điều chỉnh ấy phải được nghiên cứu đầy đủ phù hợp với quy hoạch chung ban đầu”, ông Đức nói.

MỚI - NÓNG