TTCK Việt Nam: “Nóng” nhưng vẫn lạc quan!

TTCK Việt Nam: “Nóng” nhưng vẫn lạc quan!
TP - Đó là nhận định của các nhà đầu tư  nước ngoài. Các quỹ đầu tư đã và đang “sùng sục” tìm kiếm các kênh đầu tư như: thị trường cổ phiếu niêm yết, OTC, địa ốc, quỹ hạ tầng, sản xuất, dịch vụ. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi đổ vào sẽ làm cho TTCK trở nên sôi động. 

>> VN là biểu tượng của sự tăng trưởng kinh tế
>> Thị trường chứng khoán VN đang rất hấp dẫn

TTCK Việt Nam: “Nóng” nhưng vẫn lạc quan! ảnh 1

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đầu tư Việt Nam thường niên lần thứ 2 trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Phong Cầm

Vốn vào - “mừng và “lo”

Bên lề “Diễn đàn đầu tư Việt Nam thường niên lần thứ 2” hôm qua (19/3), Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam Alan Cany đã xác nhận Tập đoàn này đang xúc tiến kế hoạch để có thể thành lập ngân hàng con trong thời gian sớm nhất, khi Việt Nam chính thức chấp nhận loại hình ngân hàng này.

“Với việc thành lập ngân hàng con 100% vốn, chúng tôi hy vọng sẽ mở 5-10 chi nhánh tại Việt Nam trong vòng 4-5 năm tới” – Ông Alan Cany nói.

Được biết, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ 1/4/2007, các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài bắt đầu được hoạt động tại Việt Nam, được đối xử bình đẳng.

Đã có nhiều ngân hàng nước ngoài đánh tiếng dạm hỏi về điều kiện, thủ tục. HSBC có thể xem là ngân hàng đầu tiên xác nhận về kế hoạch của mình.

Về viễn cảnh của thị trường vốn năm 2007, ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận nghiên cứu VinaCapital đã đưa ra nhận xét: “Tổng số tiền đã được huy động từ thị trường vốn quốc tế cho các quỹ đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng qua lên đến 2 tỷ USD.

Chắc chắn phần lớn số vốn này sẽ được đầu tư vào các Cty cổ phần hóa trong năm nay, trước hết là Vietcombank – dự kiến vào mùa hè năm 2007, rồi các  Cty thực phẩm và đồ uống lớn như Sabeco, Habeco cùng với các đại gia ngành viễn thông như MobiFone và Viettel có thể lên sàn vào dịp  cuối năm”.

Nhìn nhận về thị trường Việt Nam trong những năm tới, ông Sin Foong Wong, Giám đốc phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Cty Tài chính Quốc tế cho rằng dù Việt Nam có xuất phát điểm thấp, nhưng hiện tại  có thể lạc quan về con đường phát triển sắp tới.

“Về  mặt dài hạn, Việt Nam là thị trường lạc quan và đáng được kỳ vọng” - Ông Sin Foong Wong khẳng định.

Dưới chủ đề thảo luận “Hậu WTO - Biến lời nói thành hành động”, tại diễn đàn, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế tại  Việt Nam thì nhìn nhận, thị trường vốn và đầu tư chứng khoán đang hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều họ  quan tâm là lĩnh vực ngân hàng sẽ được cải cách thế nào? Quá trình cải cách của Chính phủ có  triệt để và TTCK Việt Nam sẽ đi đến đâu khi mà quy mô hiện tại vẫn còn nhỏ?

“Chúng tôi đánh giá cao nghị định của Chính phủ về quản lý vốn nói chung và TTCK nói riêng. Nhưng về lâu dài,  cần tạo ra sự minh bạch hóa trong hệ thống thông tin, cần tuyên truyền cho nhiều người dân hiểu và quan tâm thực sự đến sự phát triển của TTCK”.

Vốn vào nhiều, theo lẽ thường đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, đứng từ góc độ quản lý, ngay chính ông Mike Geoghegan, Tổng giám đốc Tập đoàn HSBC cũng thừa nhận: Dòng vốn ra – vào với mỗi nền kinh tế đặc biệt là nền kinh tế  mới nổi rất quan trọng. Song phải thận trọng với các khoản tiền nóng, có  thể vào và có thể ra đi rất nhanh”.

Nói về điều này,  ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở giao dịch Hà Nội (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN) cũng khuyến cáo: “Ngày nay chúng ra mở cửa để đón dòng vốn vào thì cũng phải ý thức dòng vốn này rất linh động, tính di động rất nhanh.

Muốn đồng vốn vào Việt Nam ổn định để phục vụ cho tăng trưởng lâu dài,  chúng ta phải có cơ chế sàng lọc các dòng vốn. Nhưng phải “sàng lọc” bằng các biện pháp kinh tế tiền tệ chứ không phải bằng những biện pháp hành chính đơn thuần.

TTCK Việt Nam: “Nóng” nhưng vẫn lạc quan! ảnh 2
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đầy tiềm năng - Ảnh: Hồng Vĩnh.

TTCK  có quá “nóng”?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng TTCK Việt Nam đang phát triển quá “nóng”. Tuy nhiên, theo ông Don Lam, Tổng giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital thì “thị trường chưa đến mức “nóng” như người ta lo ngại (là bong bóng và có nguy cơ sụp đổ) mà mới chỉ “nóng chút xíu”.

“Từ nay đến cuối năm sẽ có những đợt điều chỉnh” - Ông Don Lam nhìn nhận.

Trả lời câu hỏi, liệu các quỹ đầu cơ nước ngoài (hedge fund) có “vai trò trong việc TTCK Việt Nam tăng trưởng nóng thậm chí có hiện tượng đầu cơ?”,  ông Don Lam nói rằng hiện TTCK Việt Nam còn chưa đủ lớn để các “hedge fund”  vào. 

“TTCK Việt Nam “nóng” không phải do các nhà đầu tư nước ngoài mà do nhà đầu tư cá nhân cứ nghĩ nước ngoài mua vào nhiều nên họ mua đón đầu mà không suy nghĩ xem Cty đó có tốt hay không, lợi nhuận thế nào. Chính nhà đầu tư trong nước mua nhiều nhất và đẩy giá lên”- Ông Don Lam nói.  

Còn những hy vọng ở TTCK Việt Nam? Jack Lin, Giám đốc quản lý vùng (Asia Institutional, Franklin Templeton Investments) vui vẻ nói: “Bản thân tôi rất lạc quan về TTCK Việt Nam. Những chỉ số hiện tại có thể “nóng” nhưng nếu nền kinh tế  phát triển hơn và thì nó không còn “nóng” nữa. Tôi nghĩ năm nay thị trường có thể tốt hơn năm ngoái bởi nền kinh tế Việt Nam do xuất phát điểm thấp nên cần có nhiều nguồn vốn”.

Đứng dưới góc độ quản lý,  đánh giá sự phát triển của TTCK  như thế nào và phía NHNN cần làm gì để tránh sự rủi ro từ chứng khoán?

Phó Thống đốc Phùng Khắc Kế  cho biết quan điểm: “TTCK Việt Nam mới ở những bước đầu, cung ít, cầu nhiều nên chỉ số VN- Index có thể tăng ở mức tương đối nóng. Đó cũng là yếu tố bình thường (bởi ban đầu từ con số 0 để đi lên các mức điểm  trên 1.000). Từ phía ngân hàng, hệ thống ngân hàng nói chung đã có những “lo xa” nên không có gì quá rủi ro”. 

Liên quan tới tăng nguồn cung cho TTCK, theo ông Kế, năm nay, trước hết NHNN tập trung chỉ đạo  cổ phần hóa thí điểm VCB mà MHB tức là phát hành cổ phiếu ra thị trường. Tiếp đến là BIDV, Incombank cũng được lập đề án cổ phần hóa, sau đó là Agribank.

MỚI - NÓNG