Tuần lễ hồng EVN lần thứ II:Món quà ý nghĩa cho cộng đồng

Tuần lễ hồng EVN lần thứ II:Món quà ý nghĩa cho cộng đồng
Những dịp cuối năm, tình trạng khan hiếm và thiếu máu lại xuất hiện ở các bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội sống của nhiều người. Với sự chung tay, cùng chia sẻ của các tập đoàn, tổng công ty, hàng chục nghìn bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế sẽ có thêm nguồn hy vọng để trị bệnh.

Sau hơn 60 năm chung sống với bệnh ưa chảy máu, đến nay các khớp chân của ông ông Hoàng Văn Soái, xã Nghĩa Lập (huyện Phú Xuyên Hà Nội) đều sưng phồng, biến dạng, đi lại rất khó khăn.  Tuổi thơ của ông Soái là những ngày dài đằng đẵng trong bệnh viện. Cứ 3-4 tháng lại phải vào viện truyền máu. Khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe suy giảm, tần suất cần truyền máu tăng lên, mỗi tháng phải đi truyền 2 lần. Nhiều thời điểm bệnh viện thiếu máu, không được truyền kịp thời, các khớp chân ông Soái sưng phồng, rất đau đớn, thậm chí có lần phải đối mặt nguy cơ hoại tử phải cắt bỏ. Ngoài gánh nặng về chi phí điều trị, mối lo phải phẫu thuật tháo khớp, tháo chi  luôn thường trực.

Tuần lễ hồng EVN lần thứ II:Món quà ý nghĩa cho cộng đồng ảnh 1

Lãnh đạo EVN trao quà cho các bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư

“Gia cảnh khó khăn, mỗi lần vào viện điều trị là gia đình liêu xiêu vì gánh nặng tài chính. Quái ác nhất là căn bệnh đeo đẳng, suốt đời cần máu để điều trị. Việc các cán bộ công nhân viên ngành điện hôm nay sẻ chia các giọt máu hồng có ý nghĩa rất lớn với những người bệnh như chúng tôi, giúp chúng tôi vượt lên bệnh tật để điều trị. Mong ngành điện tiếp tục duy trì các chương trình ý nghĩa đặc biệt này”, ông Soái tâm sự.

Gia cảnh nghèo khó, mắc bệnh tan máu bẩm sinh di truyền thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính, chị Lò Thị Liên dân tộc Thái  (ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nhiều năm nay phải sống dựa và nguồn máu   của người khác. Dù có bảo hiểm hỗ trợ trang trải viện phí, truyền máu nhưng do hoàn cảnh, chị không có khả năng mua thuốc hỗ trợ các chức năng bị suy yếu như gan, tim, nội tiết… vì nằm ngoài danh mục thuốc được bảo hiểm. Cuộc sống vất vả thêm nặng gánh vì những chuyến nhập viện để truyền máu, điều trị tháng đôi lần.

Năm nay 15 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ như một đứa trẻ 6 tuổi, Lương Đình Chiểu (Sơn La) cho biết, nhiều năm nay thường xuyên phải vào Viện Huyết học Truyền máu T.Ư để điều trị chứng tan máu bẩm sinh. Bố mẹ ở quê làm ruộng và đi làm thuê hết ngày này sang ngày khác để lấy tiền chữa bệnh cho Chiểu. Mỗi tháng em phải xuống Hà Nội một lần để truyền máu. Bố mẹ đi làm suốt ngày nên em tự phải làm tất cả các thủ tục nhập, ra viện. Nhiều lần xuống viện chữa bệnh nên các bác tài xế quen mặt, biết hoàn cảnh nhiều lần các bác ý còn không lấy tiền vé xe. “Nhiều lần ở nhà bố mẹ không có tiền cho cháu điều trị nên phải đi vay khắp nơi. Thương bố mẹ nhưng cháu không biết làm sao”, Chiểu nói.

Tuần lễ hồng EVN lần thứ II:Món quà ý nghĩa cho cộng đồng ảnh 2
Tuần lễ hồng EVN lần thứ II:Món quà ý nghĩa cho cộng đồng ảnh 3

Các cán bộ EVN tham gia hiến máu nhân đạo trong Tuần lễ hồng EVN lần thứ II

Ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư cho biết, hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu máu cho chữa bệnh, phòng và điều trị bệnh... Chúng ta đang thiếu máu cục bộ, thiếu máu không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn cũng thiếu. Đặc điểm thiếu máu của nước ta còn là thiếu theo mùa, nhất là mùa hè, mùa đông và các dịp lễ hội, như trong các dịp tết nguyên đán... Có những năm rơi vào tình trạng dưới ngưỡng an toàn, bệnh nhân cần máu như điều trị tan máu bẩm sinh phải chờ 5 ngày tới 1 tuần mới được truyền máu.

"Phong trào hiến máu nhân đạo nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng, xã hội và cụ thể hơn là với các tập đoàn lớn, các công ty, doanh nghiệpnhà nước... thì phong trào hiến máu sẽ khó tồn tại, bởi vì đây chính là nguồn người tốt nhất để duy trì và nhân rộng phong trào hiến máu nhân đạo...Những nghĩa cử nhân ái,những giọt máu nghĩa tình của cán bộ, công nhân viên ngành điện trên toàn quốc đã giúp cho hàng ngàn người bệnh được cứu sống” ông Dương chia sẻ.

Tại lễ phát động Tuần lễ hồng EVN lần II ngày 13/12, lãnh đạo EVN cho biết, với thông điệp “Món quà ý nghĩa cho cộng đồng”, Tuần lễ hồng EVN lần II diễn ra từ ngày 12 đến 17/12/2016 tại tất cả các đơn vị thuộc EVN trên toàn quốc. Tại chương trình, lãnh đạo EVN cũng trao tặng 50 phần quà hỗ trợ cho bệnh nhân, các em bệnh nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang điều trị tại Viện huyết học – Truyền máu T.Ư.

“Tháng 1 năm 2016, chương trình Tuần lễ hồng EVN lần I đã thành công tốt đẹp, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đóng góp cho “ngân hàng” máu trên toàn quốc trên 4.586 đơn vị máu. Tháng 12 này cũng đúng dịp lượng máu dự phòng cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhi đang khan hiếm. Thay mặt Đảng ủy, Ban lãnh đạo EVN, tôi tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng chung một tấm lòng để cứu giúp những bệnh nhân có cơ hội được sống hoặc kéo dài sự sống bằng chính giọt máu quý báu của chúng ta tại Tuần lễ hồng EVN lần II”, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành viết trong Thư kêu gọi cán bộ, công nhân viên hưởng ứng Tuần lễ hiến máu tình nguyện toàn tập đoàn.

Ngày 13/12, tại trụ sở Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp cùng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phát động Tuần lễ hồng EVN lần II. Với thông điệp “Món quà ý nghĩa cho cộng đồng”, Tuần lễ hồng EVN lần II diễn ra từ ngày 12 đến 17/12/2016 tại tất cả các đơn vị thuộc EVN trên toàn quốc. Thủ đô Hà Nội là địa điểm phát động đầu tiên, tiếp theo sẽ là các thành phố lớn khác như TP HCM, Đà Nẵng… .Đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2016) và hưởng ứng thực hiện “Tháng tri ân khách hàng” EVN đã và đang triển khai.

MỚI - NÓNG