Tuyển lao động xuất khẩu: DN phải chi cho huyện 1 triệu đồng/người

Tuyển lao động xuất khẩu: DN phải chi cho huyện 1 triệu đồng/người
Chuyện huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) buộc doanh nghiệp XKLĐ phải nộp 1 triệu đồng/người LĐ mới cho tuyển người là một ví dụ điển hình.

Bộ LĐTBXH xây dựng mô hình tuyển lao động (LĐ): doanh nghiệp - chính quyền địa phương - người LĐ là nhằm loại bỏ “cò mồi”, giảm chi phí, tránh lừa đảo... cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, một số địa phương lại tự đặt ra những quy định vô lý hành doanh nghiệp.

Tuyển lao động xuất khẩu: DN phải chi cho huyện 1 triệu đồng/người ảnh 1

Ông Vui và nhân viên “cắn răng” chấp nhận chi một khoản tiền “phi lý”                                   ảnh: Lê Anh Đạt

Trong 1 tháng, ông Điêu Văn Lợi - Phó chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban chỉ đạo XKLĐ huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã mời lãnh đạo Cty cung ứng dịch vụ hàng không - AIRSERCO (thuộc TCty hàng không VN) đến trụ sở làm việc 5 lần và cũng chừng ấy lần, các cuộc thương thảo về việc cho phép AIRSERCO đến địa phương tuyển LĐ đều không thành.

Mấu chốt nằm ngay ở vấn đề “đầu tiên”, khi ông Lợi yêu cầu DN phải chi 1 triệu đồng/1 LĐ xuất cảnh (gọi là xây dựng quỹ XKLĐ của huyện), nhưng AIRSERCO chưa đồng ý. Biết rõ đây là thời điểm hầu hết các DN gặp khó khăn về tạo nguồn (đặc biệt, AIRSERCO đang tuyển 3.000 LĐ đi Malaysia theo hợp đồng đã ký với đối tác) nên ông Lợi càng “làm mình, làm mẩy”, buộc AIRSERCO chấp nhận điều kiện “trời ơi” của ông ta.

“Cắn răng” chịu thêm lần nữa, ngày 12/4/2005, ông Nguyễn Xuân Vui - Giám đốc AIRSERCO lại đến trụ sở UBND huyện Thanh Sơn, tiếp tục thương lượng với ông Lợi, mong giảm được một phần chi phí vô lý kia. Tại phòng làm việc của ông Lợi, ông Vui đề nghị: “Hôm nay, được hoặc không được (cho phép tuyển LĐ tại địa phương), ông phải dứt khoát. Chúng tôi đã mệt mỏi và ức chế khi phải đi lại nhiều mà không hiệu quả. Tuyển LĐ xuất khẩu là tạo việc làm cho bà con, lẽ ra ông phải khuyến khích, giúp đỡ chúng tôi. Đằng này… ”.

Tuy nhiên ông Lợi khoát tay, tỏ ý không muốn bàn sâu chuyện phải trái vừa được ông Vui gợi mở mà tiếp tục thảo luận giá cả. Để thêm sức nặng cho cuộc trả giá “mua - bán”, ông Lợi nói: huyện đã thông báo rộng rãi rằng, AIRSERCO chấp nhận mức giá 1 triệu đồng/1 LĐ, nên giờ khó giảm lắm… Ông Lợi còn đe, đã có 18 DN đăng ký tuyển LĐ, nhưng ông vẫn chưa cho phép vì họ quá “lăn tăn” về giá cả...

Tuyển lao động xuất khẩu: DN phải chi cho huyện 1 triệu đồng/người ảnh 2
Ông Lợi chỉ cho người dân đi XKLĐ khi DN chịu chi 1 triệu đồng/1 LĐ

Có mặt tại buổi “mặc cả” này, chúng tôi thực sự bị “bất ngờ” vì cách hành xử của ông Lợi, càng bất ngờ hơn khi bản hợp đồng có những điều khoản hết sức vô lý mà phía DN phải ký kết với UBND huyện Thanh Sơn.

Theo đó  mức giá chung mà AIRSERCO phải trả cho huyện Thanh Sơn trên mỗi LĐ được tuyển đi làm việc tại Malaysia là 1 triệu đồng/LĐ. Từ 51 người trở đi, phải tăng thêm 100.000 đồng/ LĐ (tức 1,1 triệu đồng/LĐ), từ 101 người trở đi tăng thêm 200.000 đồng/LĐ (1,2 triệu đồng), từ 151 người trở đi tăng thêm 300.000 đồng/LĐ (1,3 triệu đồng)…

Điều khoản này của hợp đồng oái oăm và nhiêu khê đến mức ông Vui tức đến đỏ cả mắt: “Không lẽ, đây là cách mà huyện hạn chế người dân đi XKLĐ?! Đáng lẽ, tuyển càng nhiều càng phải hạ giá, khuyến khích DN và tạo cơ hội cho  bà con đi XKLĐ chứ?”.

Với cách làm ấy của ông Lợi đã không ít DN (đặc biệt, những DN eo hẹp tài chính) phải đến địa phương khác, trong khi 1,1 vạn LĐ Thanh Sơn đang cần việc làm. Ông Vui dù bực tức trước kiểu làm việc của ông Lợi nhưng cũng “cắn răng” chấp nhận ký hợp đồng cho sớm được việc...

Chưa hết, thêm lần nữa, ông Lợi gây bất ngờ ở “phút 89”, khi chỉ cho AIRSERCO tuyển LĐ tại 10, trong tổng số 40 xã của huyện. Ông Vui chua chát: “Vì sao ông lại khoanh vùng như thế và vì đâu mà người dân xã này được xuất ngoại mà xã khác lại không?”…

Ngày 13/4/2005, trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hiển - Giám đốc Sở LĐTBXH - Phó ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh Phú Thọ khẳng định, tỉnh không có chủ trương thu tiền DN, lập quỹ XKLĐ ở địa phương theo kiểu này (không thu bất kỳ khoản nào của DN và người LĐ). Về việc cán bộ lợi dụng XKLĐ để moi tiền DN là sai. Chúng tôi sẽ xử lý nặng những cá nhân, cơ quan đã làm “cò”, gây khó cho DN và người dân.

Ông Hiển đề nghị báo Tiền Phong cung cấp tài liệu về việc cán bộ làm “cò” để xử lý nghiêm, làm gương… Lãnh đạo Cục Quản lý LĐ ngoài nước – Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, cán bộ làm công tác XKLĐ đã ăn lương của nhà nước, moi tiền DN chẳng khác nào “bổ đầu” NLĐ để lấy tiền. Sắp tới, Cục sẽ tham mưu với Bộ, đưa ra biện pháp chấn chỉnh trên quy mô lớn…  

Lê Anh Đạt

Nhóm PV Tiền Phong đã tìm hiểu và được biết, việc thu tiền của DN để thành lập quỹ XKLĐ không phải do ông Điêu Văn Lợi nghĩ ra, mà được quy định tại Quyết định 254 (ngày 17/3/2005) của Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, về việc ban hành quy chế sử dụng quỹ hỗ trợ XKLĐ.

Tại quy chế ban hành kèm theo Quyết định 254, ghi rõ: “Tất cả các DN XKLĐ trên địa bàn đều phải đóng một phần kinh phí từ kinh phí tạo nguồn, thông qua các thỏa thuận tại hợp đồng tạo nguồn ký với Ban chỉ đạo XKLĐ huyện để hỗ trợ xây dựng quỹ XKLĐ. Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đều có thể đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ XKLĐ…”.

Việc sử dụng quỹ cũng được quy định: Qũy cấp huyện được hưởng 60%, cấp xã 40%.  Tuy nhiên, không ai biết thực tế việc sử dụng quỹ này ra sao (?).   

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.