Vải thiều : giá, sản lượng giảm chóng mặt

Vải thiều : giá, sản lượng giảm chóng mặt
TP - Mùa vải năm nay, dù mất mùa, có thương hiệu, song nỗi lo vải rớt giá của người dân vẫn chưa hề vơi. Đã thế, dân trồng vải vẫn cô đơn chống lại những bệnh lạ làm vải mất mùa.
Vải thiều : giá, sản lượng giảm chóng mặt ảnh 1
Vải càng chín, người càng lo 
                                    Ảnh: Quyền Thành

Sau nhiều năm điêu đứng vì vải rớt giá, năm 2003 người dân và chính quyền vùng đất vải nổi tiếng Thanh Hà (Hải Dương) đã thành lập “Hiệp hội vải thiều Thanh Hà” với 150 thành viên.

Hiệp hội đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trồng vải thiều cho người dân.

Từ khi có thương hiệu, vải thiều Thanh Hà dần tìm lại được vị trí tại các siêu thị, cửa hàng bán hoa quả ở nhiều thành phố, song thương hiệu chưa thể cứu vãn được hiệu quả của cây vải cho người nông dân.

Bởi, thương hiệu của hàng nông sản đôi lúc vẫn bị đẩy vào yếu thế khi mà sản lượng vải ngày càng tăng, người dân hái bán ồ ạt vào thời điểm chính vụ (tháng 6 hằng năm).

Bên cạnh đó, người dân và thương gia đi bán vải đều quảng cáo vải của mình có nguồn gốc Thanh Hà, Lục Ngạn, nên thật giả lẫn lộn. Chủ tịch Hiệp hội vải Thanh Hà-Vũ Đình Bát cho biết, hiện vải thiều đã phát triển trên nhiều vùng ở miền Bắc, với tổng diện tích 35.300 ha, trong đó, Thanh Hà có 6.500 ha.

Vải ở vùng đất khác nhau chất lượng cũng rất khác, vải thiều Thanh Hà không có đặc điểm riêng để phân biệt với vải vùng đất khác nên mất thế cạnh tranh, giá vải ngày càng giảm mạnh.

Thống kê từ năm 1997 đến 2003 cho thấy, giá vải thiều Thanh Hà đã giảm từ 16.000 đồng/kg xuống còn 3.800 đồng/kg. Hiện nay giá vải Thanh Hà đầu mùa được bán 20.000 đồng/kg nhưng khó giữ được giá khi vào chính vụ.

Khi thương hiệu vẫn chưa phải là cứu cánh cho tình trạng vải rớt giá thì một nghịch lý khác cũng đang tồn tại là dù vải có bị mất mùa (sản lượng thấp) thì giá vẫn rớt.

Theo ông Ngô Văn Định-Phó phòng nông nghiệp huyện Thanh Hà, năm nay sản lượng vải Thanh Hà chỉ bằng một nửa sản lượng vải năm 2004 (khoảng gần 500 tấn vải tươi). 

Ở Bắc Giang, sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 104.000 tấn/39.405 ha vải đang cho thu hoạch. Để tránh nỗi lo rớt giá, người dân chạy đôn đáo tìm thị trường, vận chuyển đi bán khắp nơi.

Tuy nhiên, với chi phí quá cao như hiện nay thì dù vải có đến được các thị trường khác như TP Hồ Chí Minh, cửa khẩu biên giới phía Bắc…, giá vẫn rớt, bởi theo tính toán của những người trồng vải: Mỗi kg vải vào được TP Hồ Chí Minh phải mất thêm 3.000 đồng phí vận chuyển, bảo quản bằng xe lạnh hoặc đá cây.

Còn đưa vải lên cửa khẩu không có kho ngoại quan, chi phí cao và có lúc bị ép giá thì lại về… “mo”. Được biết mới đây, Tập đoàn phân phối Phú Thái đã kết hợp với Hiệp hội vải Thanh Hà gắn nhãn hiệu “fresh Conrner” cho vải, mở các kênh tiêu thụ vải cho bà con, nhưng số lượng còn có hạn.

Tuy nhiên, chỉ như thế thôi cũng đáng được biểu dương rồi, bởi theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh, hiện nay vải cũng như các loại rau quả khác của VN đang thiếu một người tổng chỉ huy tổ chức sản xuất tiêu thụ phù hợp…

Công nghệ bảo quản vải: Vẫn bế tắc

Gần như toàn bộ vùng vải thiều ở miền Bắc 2 năm qua bị mất mùa, hoa rất nhiều nhưng chủ yếu là hoa đực, tỷ lệ đậu quả rất thấp. Ông Ngô Văn Định cho hay, 2 năm gần đây những cán bộ nghiên cứu vải của huyện Thanh Hà phát hiện tỷ lệ hoa của vải thiều không có mật chiếm rất cao.

Có lẽ đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ đậu quả thấp, dù vậy vẫn chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu bài bản để cứu dân trồng vải.

Về bảo quản, đã có một số nhà khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp 1 nghiên cứu, song nếu áp dụng công nghệ giữ được quả vải kéo dài 10-15 ngày thì chi phí sẽ làm đội giá lên nhiều lần, không thể bán được.

Từ năm 2006, TS Đào Thế Anh- Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam  cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu các kỹ thuật chăm bón, canh tác, phòng trừ dịch hại đảm bảo nâng cao tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả vải ở Thanh Hà.

Nếu kết quả nghiên cứu, ứng dụng này thành công sẽ góp phần giúp người dân các vùng trồng vải khác mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn chặt vải trồng sắn như thời gian vừa qua.

Còn để vải không bị ùn tắc, rớt giá thì người dân phải chờ đợi ở các DN phân phối dám chấp nhận rủi ro, quan tâm nhiều đến nông nghiệp.  

MỚI - NÓNG