Vào WTO: Cơ hội là tiềm năng, thách thức là hiện thực

Vào WTO: Cơ hội là tiềm năng, thách thức là hiện thực
Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Trần Du Lịch. Ông nói, phấn đấu để trở gia nhập WTO rất khó khăn, nhưng "hậu WTO" còn khó khăn hơn nhiều đối với cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Sau khi Việt Nam vào WTO, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu nguyên, phụ liệu giảm trong khi nguồn cung cấp sẽ phong phú hơn. Nhờ vậy sản phẩm của doanh nghiệp sẽ đủ sức cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên theo ông Lịch "nhận định như trên cũng chỉ mới nêu cơ hội mà thôi. Còn việc có giảm được chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam hay không là vấn đề khác".

Trước mắt trong những năm đầu, các ngành đã đạt được thành công trong mở rộng thị trường sau khi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (năm 2001) có hiệu lực như dệt may, da giầy, chế biến lương thực-thực phẩm tiếp tục có cơ hội lớn hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Còn một số ngành khác như cơ khí, điện tử, công nghiệp ôtô... sẽ gặp khó khăn lớn. Nguyên nhân là hầu hết các ngành này dựa trên điều kiện thâm dụng khoa học kỹ thuật, khoa học-công nghệ, nhưng trong thời gian qua đầu tư của chúng ta còn quá ít, hiệu quả chưa cao.

Còn về thị trường tài chính, ông Lịch cho rằng tài chính - tín dụng - ngân hàng là lĩnh vực dịch vụ mà các doanh nghiệp trong nước sẽ rất vất vả khi phải cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên việc mở cửa thị trường này trong các cam kết song phương và đa phương của Chính phủ để gia nhập WTO đều có lộ trình cụ thể trên cơ sở đánh giá sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và hệ thống ngân hàng trong nước. Vì vậy không nên nghĩ rằng các tổ chức tài chính - ngân hàng quốc tế sẽ ào ạt chiếm lĩnh thị trường trong nước sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuẩn bị rất tích cực cho sân chơi toàn cầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể nhất là vấn đề xây dựng thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ, các chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan.

Tuy nhiên nhìn tổng thể nền công nghiệp Việt Nam vẫn nặng về gia công với tỷ giá gia tăng và tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp còn rất thấp. Ví dụ như công nghiệp chế biến trên địa bàn Thành phố hồ Chí Minh chiếm 36% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến của cả nước, nhưng trong 10 năm qua tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản xuất đã giảm mạnh từ 40% năm 1995 xuống còn 31% năm 2005. Mặt khác các sản phẩm công nghiệp, nhất là ngành may mặc, da giầy, chế biến gỗ, chế biến lương thực-thực phẩm đều dựa trên ưu thế lao động rẻ, mà ưu thế này sẽ mất dần khi mức sống tăng lên.

Các loại dịch vụ cho sản xuất công nghiệp thì không phải loại nào cũng có thể giảm giá. Thậm chí nhiều loại dịch vụ còn tăng giá khi Nhà nước xóa bỏ hoàn toàn bao cấp. Về nguyên tắc, khi tự do hóa thương mại sẽ có tác động đến việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nếu phân tích cụ thể từng loại nguyên phụ liệu, từng loại dịch vụ thì khả năng giảm giá không nhiều do vậy các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các loại dịch vụ thương mại sẽ chịu sự cạnh tranh rất mạnh trên thị trường nội địa.

TTXVN

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.