Việt Nam không lọt vào TTCK mới nổi: Buồn nhưng vẫn còn hy vọng… ?!

Dù sốt ruột muốn nâng hạng nhưng TTCK Việt còn thiếu nhiều điều kiện cần và đủ. Ảnh: Như Ý.
Dù sốt ruột muốn nâng hạng nhưng TTCK Việt còn thiếu nhiều điều kiện cần và đủ. Ảnh: Như Ý.
TP - Thông tin Việt Nam chưa được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi (theo xếp hạng TTCK trên thế giới) khiến chứng khoán Việt có một phiên buồn rũ, cổ phiếu đồng loạt giảm sàn (21/6). Nâng hạng TTCK cũng đồng nghĩa sẽ có cơ hội hút mạnh dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài. Nhưng sòng phẳng chúng ta còn thiếu nhiều tiêu chuẩn…

Khối ngoại thất vọng nới room

Ngày 21/6, Tổ chức xếp hạng chứng khoán thế giới (MSCI) công bố kết quả phân loại thị trường kỳ dành cho 84 thị trường. Theo đó, MSCI đã giữ nguyên xếp hạng với Việt Nam ở tất cả các tiêu chuẩn định tính và không cho Việt Nam vào danh sách xem xét. Đối với Việt Nam, đây là một kết quả khá…buồn bởi các cơ quan chức năng suốt thời gian qua đã rất cố gắng cải tiến các khung pháp lý gia tăng sự minh bạch đáp ứng tiêu chuẩn cao của MSCI.

Trong kỳ đánh giá này, MSCI đã đưa nhóm cổ phiếu China A của Trung Quốc vào các chỉ số thị trường Emerging Markets nhờ những cải thiện tích cực của TTCK nước này bao gồm chương trình kết nối hai sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải. MSCI cũng đưa Saudi Arabia vào danh sách xem xét có tiềm năng nâng hạng từ Standalone Markets lên Emerging Markets. MSCI vẫn giữ nguyên Argentina ở danh sách xem xét mặc dù nước này đã có tiến bộ đáng kể liên quan tới tự do hóa thị trường ngoại hối....

Nhận xét của MSCI về Việt Nam cho thấy có sự thay đổi theo hướng tích cực trong mục là Khả năng chuyển nhượng (nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cần tiếp tục cải thiện). Ngược lại, MSCI đánh giá có phần tiêu cực hơn so năm 2016 mục quyền bình đẳng với NĐTNN. “quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.” - MSCI nhận xét.

Nhìn nhận sự kiện này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, trưởng bộ phận phân tích CTCK SSI cũng cho hay: Hiện giới hạn sở hữu nước ngoài và vấn đề hạn chế quyền của nhà đầu tư nước ngoài là mối quan tâm của MSCI khi đánh giá thị trường. “Thực tế đã 2 năm trôi qua kể từ khi Nghị định 60 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, mới có 19 doanh nghiệp được nới room, con số rất nhỏ so với hơn 700 cổ phiếu niêm yết”, ông Linh cho biết.

Cùng đó, MSCI cho rằng việc công bố thông tin bằng tiếng Anh được nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng và cần được quan tâm hơn. “Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền bình đẳng về thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, giúp các quỹ đầu tư ngoại tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và có những đánh giá xác thực hơn trong quá trình đầu tư. Đặc biệt, vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối là một trở ngại lớn và không thể đạt được trong một thời gian ngắn. Đây là trở ngại chính yếu với nâng hạng thị trường”, ông Linh khẳng định.

Cơ hội còn phía trước...

Bình luận về sự kiện này, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết: Thông thường, quá trình theo dõi, xem xét của MSCI để đưa ra quyết định nâng hạng một TTCK sẽ phải mất ít nhất 2 năm và thường là dài hơn, kể từ khi MSCI đưa thị trường này vào danh sách tiềm năng để rà soát.

“Việc đánh giá của MSCI về cơ bản là dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), phần lớn các tiêu chí là định tính. Do vậy, nếu so đánh giá về các vấn đề của TTCK Việt Nam với tư cách là thị trường cận biên với các vấn đề tương tự của thị trường mới nổi như : Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Malaysia, chúng ta có thể thấy đánh giá về TTCK Việt Nam có sự tương đồng về mức độ, không có sự khác biệt lớn”, ông Dũng khẳng định.

Liên quan vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối, đại diện UBCK phân tích : thị trường ngoại hối vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ giá trị tiền đồng. “Cải thiện điều kiện này cần sự hợp tác và nỗ lực của toàn hệ thống. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để tháo gỡ cho dòng vốn cho các nhà đầu tư vào được”, ông Dũng nói.

Những tháng đầu năm 2017, dòng vốn đầu tư ngoại vẫn tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam, đạt trên 22 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay, tuy nhiên sự tham gia của dòng vốn ngoại vào TTCK và nền kinh tế nói chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, cũng như so với khả năng và nhu cầu thực tế của NĐTNN, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn. Trước quan ngại, kết quả này làm xáo trộn hay thay đổi nào về dòng vốn nước ngoài trên TTCK Việt Nam vì kỳ vọng nâng hạng không đạt được? Theo ông Dũng, NĐTNN là các tổ chức/quỹ đầu tư nắm được thông tin khá rõ về quy trình và nguyên tắc nâng hạng của các tổ chức đánh giá xếp hạng, do vậy khả năng xáo trộn dòng vốn đầu tư vào Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực là tương đối thấp.

“Việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều Bộ, ban ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ KH&ĐT..., sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như của các thành viên thị trường”, ông Dũng khẳng định.

Nâng hạng TTCK nhằm mục tiêu thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nếu TTCK Việt Nam nâng hạng thành công, quy mô của dòng vốn ngoại cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK chắc chắn sẽ có sự đột phá. Nếu  được xếp vào nhóm thị trường mới nổi, thị trường Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn mới của các NĐTNN và thu hút được dòng vốn trung và dài hạn.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.