Vinacafe Biên Hoà từng sản xuất cà phê trộn đậu nành

Ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê của Masan cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chưa được thưởng thức một lý cà phê đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê của Masan cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chưa được thưởng thức một lý cà phê đúng nghĩa.
TPO - Đó là thừa nhận của ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa từng có 2 dòng sản phẩm của đơn vị này từng trộn đầu nành trước khi “về” với cà phê nguyên bản.

Ngày 23/8, tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp-Người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch, bà Nguyễn Lê Na- một người đang đầu tư vào sản xuất cam Vinh theo quy trình VietGAP (ở Quỳ Hợp, Nghệ An) thắc mắc: “Mới đây, Vinacafe có quảng cáo từ 1/8 sẽ chỉ sản xuất cà phê nguyên chất. Vậy từ trước đến nay, cà phê của doanh nghiệp không nguyên chất?”

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) phải thừa nhận: “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm hoà tan Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào cà phê”.

Ông Kỷ cũng chia sẻ, hè vừa rồi, ông có đưa gia đình tới một resort của một Tập đoàn nước ngoài ở Phú Quốc nghỉ mát. Ở đó, ông thấy có hai bình cà phê phục vụ khách hàng, một loại có dán nhãn bằng giấy “Việt Nam Coffe” và bình còn lại ghi “Coffee”.

Ông mới hỏi là nhân viên, mới rõ “Việt Nam Coffe” là họ mua cà phê bột ở ngoài về pha, còn bình dán chữ Coffee là cà phê được rang xay từ hạt, pha trực tiếp bằng máy.

“Khi tôi thử một ly từ bình “Việt Nam Coffe”, không cần phải là một chuyên gia về công nghệ về cà phê, tôi dễ dàng nhận ra đó không phải là cà phê nguyên bản mà có trộn đậu nành…Khi nhấp ngụm cà phê đó, vị đắng vẫn còn nguyên trong cổ họng và vị đắng đó như tràn xuống lồng ngực trái của tôi”- ông Kỷ nói.

Là một công ty có lịch sử 50 năm, lấy giá trị cà phê làm nguyên bản, không có gì đau hơn khi một cái tên “Việt Nam Coffee” để cho khách hàng nước ngoài phân biệt, chọn cái nào là cà phê để uống. Đó không phải cà phê mà là độc!

Theo ông Kỷ, hai loại cà phê trộn trên doanh số bán rất tốt, nhưng ngay trong đội ngũ lãnh đạo luôn có những ý kiến khác nhau, vì đi chệch triết lý 50 năm qua của công ty, và đó là niềm day dứt. “Vì thế, chúng tôi quyết định từ 1/8 chỉ làm cà phê nguyên bản”, ông Kỷ khẳng định.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê - Masan Consumer (Tập đoàn Masan) cho biết, trong 17 tỷ ly cà phê Việt Nam được uống mỗi năm, phần nhiều vì đời sống kinh tế khó khăn, phần vì lợi nhuận, lòng tham, đang biến 50% thứ thức uống đó không phải cà phê.

“Và hàng triệu người Việt Nam chưa được thưởng thức 1 ly cà phê đúng nghĩa. Nó giống như trong rau, trong thịt, ngay người bán họ cũng không biết là đang đầu độc những người đã nuôi sống họ, gia đình họ... một sự thờ ơ đến ngây thơ”- ông Toàn nói.

Chưa kể, nông dân Việt Nam chỉ bán được 2 USD/kg nhưng Starbuck bán 1 ly cà phê giá 4 USD, gấp hàng trăm lần so với hàng triệu người nông dân Việt Nam thu được.

Nescafe hay Starbuck đều là những thương hiệu giá trị hàng chục tỷ USD, họ không trồng 1 hạt cà phê nào. “Vậy mà cường quốc số 1 cà phê chúng ta không sống nổi trên chính hạt cà phê chúng ta tạo ra”-ông Toàn nói.

Chia sẻ về câu chuyện trên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về cà phê, nhưng vừa rồi, một cuộc điều tra ở Ý- là nước rất sành cà phê, thì chỉ 10%, người tiêu dùng nước này biết Việt Nam có cà phê. Ông Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng và quảng bá nhiều hơn nữa về sản phẩm cà phê Việt Nam.

MỚI - NÓNG