Vòng kim cô quy hoạch

TP - Khi cơn lũ đầu mùa thổi tung nắp van nặng 125 tấn của hầm dẫn dòng một dự án thủy điện cấp quốc gia đã được nghiệm thu và cho phép tích nước đúng quy trình, không thể không xét lại toàn bộ quy hoạch thủy điện của Bộ Công Thương.

Trận lũ tốc độ 560 m3/s chiều 13/9 ở huyện Nam Giang không phải gây ra bởi thiên tai mà là nhân tai. Thảm họa khiến người ta nhớ lại cảnh báo từ chục năm trước của một cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ.

Theo Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường (ICEM), hiện lượng phù sa ở các sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Từ dữ liệu đo được tại trạm quan trắc Thành Mỹ ở huyện Nam Giang trên sông Vu Gia, người ta xác định có tới 460.000 tấn đất, cát bồi lắng mỗi năm. 

Hiện tượng ấy có thể khiến đô thị cổ Hội An hứng những cơn lũ lớn bất thường. ICEM cũng cảnh báo thủy điện Sông Bung 4 tích nước với dung tích 490 triệu m3 sẽ khiến sông Bung cạn kiệt ở hạ lưu. Vậy mà, năm 2012, dự án thủy điện Sông Bung 2 vẫn được khởi công
xây dựng.

Trước sức ép gấp rút tăng trưởng kinh tế để bù lại nhiều thập kỷ trì trệ, Việt Nam không thể không tận dụng lợi thế tự nhiên về thủy điện. Với lượng mưa trung bình hằng năm cao (khoảng 1.800 - 2.000mm) và sông ngòi dày đặc (hơn 3.450 hệ thống), tổng công suất thủy điện cả nước lên đến 35.000 MW, tương đương 35 nhà máy thủy điện Hòa Bình. Thực tế, tiềm năng có thể khai thác khả thi chỉ 26.000 MW.

Đến nay, số dự án đăng ký ồ ạt đã lên tới 1.097 với tổng công suất dự kiến 24.246 MW. Trong số đó, hơn một nửa dự án đang xây dựng hoặc chưa đầu tư.

Song, sự cố thuỷ điện Sông Bung 2 một lần nữa bộc lộ sự tùy tiện trong phát triển thủy điện, đặc biệt là ở miền Trung. Riêng bốn tỉnh miền Trung cùng hai tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Đắk Nông đã có gần 150 dự án lớn nhỏ được phê duyệt. Quảng Nam có số nhà máy thủy điện lớn nhất, 62 dự án với tổng công suất lên tới 1.601MW.

Sự cố Sông Bung 2 một lần nữa cho thấy thủy điện tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Để sản xuất mỗi MW thủy điện, ước tính mất hơn 10 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn. 

Chưa ai thống kê quy hoạch dày đặc thủy điện như hiện nay góp bao nhiêu phần làm cho lũ lụt dữ dội hơn vào mùa mưa và hạn hán khốc liệt hơn vào mùa khô. Chưa ai thống kê phát triển thủy điện tùy tiện vừa qua gây hậu quả tai hại thế nào.

Không thể cứ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt thì bất di bất dịch. Cần xem lại quy trình thẩm định và cấp phép đầu tư cho các dự án thủy điện. Cần công khai các dự án thủy điện, mở rộng dân chủ trong việc tiếp thu các ý kiến liên quan đến kế hoạch phát triển thủy điện nói chung và cho mỗi dự án nói riêng. 

Và cũng nên có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho các ý kiến phản biện có giá trị; cơ chế xử phạt, nghiêm trị những quyết sách sai trong việc triển khai các dự án thủy điện cho dù xuất phát từ lý do gì, từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay vì kém cỏi trong nhận thức khoa học, trong tổ chức thực hiện hay quản lý hành chính.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.