Vụ Liên Kết Việt: Bộ Công Thương trách cứ các địa phương

Ông Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo Chính phủ chiều 29/2. Ảnh: Kiên Dũng.
Ông Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo Chính phủ chiều 29/2. Ảnh: Kiên Dũng.
TP - Chiều 29/2, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ tháng 2/2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải cho biết, ngay sau khi phát hiện Công ty Liên Kết Việt có nhiều hành vi vi phạm, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đơn vị trên 570 triệu đồng (tháng 7/2015).

Tuy nhiên, khi bị truy về trách nhiệm và việc không công khai quyết định xử phạt, khiến người dân tiếp tục “mắc bẫy” thì ông Thắng lại từ chối trả lời.

Ngạc nhiên vì địa phương không vào cuộc ngăn chặn

Trả lời về vụ Liên Kết Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải khẳng định, trước khi có Nghị định mới ban hành ngày 1/7/2014, các sở Công Thương trên toàn quốc đã cấp hơn 100 giấy phép cho các công ty kinh doanh đa cấp. Từ khi giao chức năng quản lý cho Cục Quản lý Cạnh tranh, đơn vị này đã sàng lọc, đến nay chỉ còn 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 20% công ty 100% vốn nước ngoài.

Cũng theo ông Hải, hiện bán hàng đa cấp là hoạt động phổ biến trên thế giới, các nước trong khu vực như Malaysia cấp cho hơn 1.000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan có hơn 500 công ty, Đài Loan cũng hơn 700 doanh nghiệp đa cấp. Ông Hải khẳng định, khi Việt Nam gia nhập WTO, một trong những điều khoản mà chúng ta phải chấp hành là phải chấp thuận các hoạt động kinh doanh về đa cấp.

Phủ nhận sự vào cuộc chậm trễ của Bộ Công Thương, ông Hải cho biết, sau khoảng 7 tháng hoạt động, đến 15/7, Cục Quản lý cạnh tranh đã trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện Công ty Liên Kết Việt có 5 - 6 nội dung vi phạm các quy định của pháp luật. Cục đã xử phạt hành chính 570 triệu đồng. Sau đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với C46 - Bộ Công an phát hiện vi phạm và đến tháng 2 vừa qua đã có lệnh bắt tạm giam các đối tượng liên quan tại Công ty Liên
Kết Việt. 

Theo ông Hải, tới đây cần có sự kết hợp tốt hơn giữa nơi cấp phép với chính quyền địa phương, như các Sở Công Thương, Công an, Y tế… Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát lại nghị định vừa ban hành, xem có khe hở nào không để “bịt” lại. Chia sẻ và bày tỏ thái độ lo lắng cho quyền lợi của người tham gia trong vụ Liên Kết Việt, ông Hải cũng cho rằng, trong 1.900 tỷ đồng, lãnh đạo của Liên Kết Việt chỉ chiếm dụng mức độ nhất định, vì số tiền đó đã được chi hoa hồng rất nhiều qua các khâu. 

Ông Đỗ Thắng Hải tỏ ra ngạc nhiên khi mấy chục nghìn người tham gia tại nhiều tỉnh thành như vậy mà các cơ quan chức năng địa phương không vào cuộc ngăn ngừa, cảnh báo.

Xử lý nghiêm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực

Liên quan tới tại tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về những sai phạm nhưng tính đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành công khai các hình thức kỷ luật tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm. Về nội dung trên, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, sau khi Thủ tướng có kết luận về việc này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án phá dỡ phần xây dựng sai giấy phép và giao Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm, hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan.

“Đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều cấp quản lý. Quan điểm của Chính phủ là phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật”, lãnh đạo VPCP khẳng định.

Về những ý kiến băn khoăn xung quanh việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đề xuất xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định cho biết, chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã có từ lâu. Đến năm 1995, trong một quyết định của Thủ tướng quy hoạch phát thanh truyền hình, có đề cập đến việc phải xây tháp truyền hình đa mục tiêu, không chỉ dùng cho kỹ thuật truyền hình mà còn nhiều mục tiêu khác, ngoài ra đây còn là điểm nhấn du lịch, thương mại…thậm chí còn cả lĩnh vực bưu điện.

Đến năm 1997, VTV đã xây dựng đề án tháp truyền hình, nhưng vì thời điểm đó ngân sách khó khăn nên phải dành ưu tiên cho các mục tiêu khác. Tới năm 2013, VTV  tiếp tục trình Thủ tướng. Sau đó Thủ tướng yêu cầu các bộ và thành phố Hà Nội cho ý kiến và các đơn vị đều thống nhất về mặt chủ trương. Do đó, giao VTV chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín xây dựng dự án…

“Hiện Thủ tướng chỉ đạo VTV cùng các bộ, ngành xây dựng dự án tiền khả thi, các vấn đề mà dư luận quan tâm cũng phải đưa vào để Thủ tướng xem xét. Sau đó sẽ thẩm định, nếu đảm bảo lợi ích tổng thể, lúc đó Thủ tướng mới phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, nếu không đạt yêu cầu mục đích đề ra sẽ không phê duyệt”, ông Định nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận công tác mới thì có phải chịu trách nhiệm ở những lĩnh vực phụ trách cũ, lãnh đạo VPCP cho biết: Về mặt pháp lý, các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.