Vùng đất 'vàng' của Hà Nội

Vùng đất 'vàng' của Hà Nội
Những con phố cũ của Hà Nội giờ đã giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Nay người ta đua nhau tìm đến những khu đô thị mới để tậu biệt thự, xây cao ốc.
Vùng đất 'vàng' của Hà Nội ảnh 1
Toàn cảnh vùng đất vàng.

Nên tại các khu phố mới đã xuất hiện những “vùng đất vàng”, nơi các nhà đầu tư phải chen vai huých cánh.

Cách “phố Tây” Trung Hòa - Nhân Chính không xa, chênh chếch là đại siêu thị Big C, ngay trước mặt là ngã tư to “vật vã” với một ngã rẽ vào nội thành, một ngã đi Hà Đông, một ngã đi Hòa Lạc và một về phía Cầu Giấy; xa xa phía đằng sau là sân vận động quốc gia Mỹ Đình... đó là vị trí đắc địa của những lô đất rộng trên đường Phạm Hùng.

Án ngữ một vị trí như vậy, đi vào địa bàn trung tâm thành phố chỉ mất vài kilômet, lại sát Trung tâm Hội nghị Quốc gia tầm cỡ quốc tế, nên vùng đất này đã vượt xa những “đối thủ” như khu Trung Hòa - Nhân Chính, Ciputra... về mặt hấp dẫn đầu tư.

Tập đoàn Vigracera có tầm nhìn, đã nhanh chân xây được một cao ốc ở ngay ngã tư Phạm Hùng, Trần Duy Hưng. Hiện nay nếu ai muốn sở hữu những khoảnh đất còn trống trên đường Phạm Hùng chắc không đơn giản. Những yếu tố thiên thời địa lợi khiến những khoảnh đất trên con đường này đã và đang được tranh giành quyết liệt.

Cách đây cả năm, dù có rất nhiều người nhòm ngó, song gần đây giới đầu tư bất động sản vẫn giật mình không ngờ rằng vị trí X2 trên đường Phạm Hùng lại bị giành giật đến vậy. Hai tập đoàn, một của Hàn Quốc, một của Nhật Bản, cùng nhảy vào xin đầu tư xây dựng khách sạn, cao ốc cho thuê và trung tâm thương mại (trị giá hàng trăm triệu đôla). Dự án nào cũng hợp lý, cũng hấp dẫn. Hai bên đều tìm mọi cách để đạt mục đích.

Hiệp hội Giao lưu kinh tế Kanagawa - Việt Nam và Tập đoàn Virierra (Nhật Bản) tuyên bố sẵn sàng trả ngay tiền thuê đất 50 năm một lần. Thậm chí họ còn hứa đóng góp tài chính cho thành phố Hà Nội 3 triệu USD ngay khi được cấp giấy phép đầu tư. Diện tích đất xin ban đầu là 6 ha, nay giảm xuống chỉ còn 4 ha nhưng phía Nhật vẫn chấp nhận.

Với một nhà đầu tư nhiệt tình như vậy, ngày 25/1/2007 UBND thành phố Hà Nội đã ra thông báo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu quyết định chọn Công ty Virierra (Nhật Bản) làm đối tác ưu tiên. “Đòn” không đủ nặng nên phía nhà đầu tư Hàn Quốc không được chọn. Và hiện họ vẫn chưa đồng ý chọn bất cứ địa điểm nào khác mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra khá nhiều địa điểm để giới thiệu.

Nếu như trước đây đường Nguyễn Chí Thanh có độ “nóng” vào bậc nhất vì được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới xây cao ốc, thì nay vị trí “vàng” có lẽ đã chuyển hẳn về đường Phạm Hùng. Ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia đang sừng sững tọa lạc, hai bên đường Phạm Hùng còn những khu đất trống rộng cả trăm hecta, rất dễ khiến một tòa kiến trúc hiện đại nào đó, nếu mọc lên, sẽ nổi bật giữa không gian phố mới, nơi sắp tới sẽ là trung tâm chính trị, với nhiều trụ sở đầu não của Nhà nước.

Khu vực này còn được qui hoạch cả một công viên rộng nhất Hà Nội để tạo điểm xanh, tĩnh lặng cho thành phố. Có lẽ nhờ có được cảnh quan đẹp, hạ tầng tốt, được qui hoạch hài hòa (dự kiến) nên độ “nóng” ở đường Phạm Hùng ngày càng tăng, khiến ngay chính những cư dân mới được chuyển đến phố mới cũng thấy “sốt”...

Trước mặt Trung tâm Hội nghị Quốc gia hiện mới chỉ có một tòa cao ốc Vimeco. Tất cả văn phòng cho thuê của cao ốc này đều đã được lấp đầy. Ngoài phần văn phòng cho thuê, tòa cao ốc Vimeco còn có 25 tầng chung cư. Song, cơn sốt văn phòng khiến không ít người có nhà tại chung cư này cũng đã như ngồi trên lửa với hai phương án: ở hay cho thuê lại nhà, để mỗi tháng dôi ra 500-700 đôla.

Anh Tùng, chủ một căn hộ trên tầng 25 - áp chót của tòa nhà, mỗi sáng vươn vai nhìn ra Trung tâm Hội nghị Quốc gia đều thấy rất “phấn khích”. Anh bảo dù ở tầng 25 mà anh vẫn nhận được không ít lời gạ gẫm “ngàn đô”. Người đến bảo xin thuê làm văn phòng, người bảo nếu bán thì mua luôn. Nhưng anh Tùng tính “chưa bán, một thời gian nữa, khi khu phố này nhộn nhịp lên thì tôi tin giá không tăng nhanh như chứng khoán mới lạ”.

Tìm đến trung tâm nhà đất chuyên về khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính và Vimeco, nhân viên ở đây cũng lắc đầu quầy quậy: “Khu Trung Hòa - Nhân Chính anh muốn thuê hay mua còn có, chứ khu trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chúng em đã “mua” cánh bảo vệ, coi xe ở đó hết rồi, không thấy có bất cứ thông tin nào nói có người bán. Bói cũng chưa ra đâu ạ”...

Hiện tại, với độ “nóng” của con đường mới, ai cũng tin đây sẽ thành một khu đô thị thuộc dạng trung tâm của Hà Nội. Nhưng không phải vì thế mà không có sự nghi ngờ. Một kiến trúc sư có tiếng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: muốn phát triển tốt, nên định hướng chức năng chuyên biệt cho các khu đô thị. Khu nào thì qui hoạch thành trung tâm tài chính, khu nào thành trung tâm văn hóa, chính trị... Nên chuyên sâu như thế chứ cứ thấy nhiều tiền, hấp dẫn là cho thuê đất thì qui hoạch sẽ lại lộn xộn ngay!

Anh Hùng, một cư dân của Vimeco, người đã sớm nhìn ra vị trí đắc địa khi đại siêu thị Big C mới bắt đầu xây dựng, rất tin vào quyết định mua nhà ở đây của mình nhưng cũng mang nỗi sợ hãi mơ hồ. Anh bảo Việt Nam xây đô thị mới còn kém quá. Cao ốc toàn như những bao diêm chổng ngược, tổng thể chẳng tạo ra hình thù gì, thì dù đắt giá mấy, trung tâm mấy, sự hấp dẫn cũng dần dần mất đi: “Sợ nhất là sau này qui hoạch cứ chắp vá như “truyền thống”.

Đất trống thế kia, nhưng nếu cứ qui hoạch, rồi lại sửa, gọi văn hoa là điều chỉnh, rồi làm theo kiểu khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, cho xây những bao diêm chổng ngược khít nhau thì lại khai tử một con đường có tiềm năng đạt tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng đô thị”. Rất tiếc, lo ngại của anh Hùng lại đang có cơ sở.

Vì trong thông báo “ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu về một số cơ chế khuyến khích, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng khách sạn cao sao và một số dự án khác”, đồng thời với việc “tiết kiệm” khi giảm diện tích cho đối tác Nhật Bản thuê từ 6ha xuống 4ha, thành phố Hà Nội đã đồng ý “mật độ xây dựng có thể thay đổi”.

Cách đây chưa lâu, đường Nguyễn Chí Thanh được coi là con phố đẹp nhất Việt Nam. Nhưng rồi các nhà kiến trúc lại thở dài: “Đẹp, tạm được một thời gian ngắn thôi, lại lôm nhôm rồi”. Nhiều người rất mong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ được qui hoạch và xây dựng đẹp, theo tầm quốc tế, nhưng cũng thật khó vì: “Đã có siêu thị Big C rồi, mà nghe thành phố chấp nhận cho xây một trung tâm thương mại lớn nữa ở đây. Rồi quanh đây người ta toàn xây cao ốc, sắp tới khách sạn 5 sao lại cao chót vót, thì Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ thành một chú lùn. Chẳng hiểu sẽ ra sao nữa”...

Nên dù hiện tại đất quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, giới đầu tư ai cũng bảo là “vùng đất vàng”, nhưng sắp tới chưa ai có thể đoán hình thù đô thị quanh nó sẽ ra sao, vì sẽ không chỉ có một khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại được dựng lên ở đó...

Theo Tuổi trẻ

'Có thể tạo thêm nhiều vùng đất vàng!' 

Tại sao lâu nay chúng ta không qui hoạch để “đẻ” ra nhiều “phố vàng”? Làm gì để có thêm nhiều “vùng đất vàng”? Báo giới đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Phùng Anh Tiến, khoa quản lý đô thị Trường Đại học Kiến trúc.

Ông Tiến nói:

- Không phải đi đâu xa, ngay tại Trung Quốc, người ta đã áp dụng từ lâu cách xây dựng mà nhà nước không phải chịu gánh nặng quá lớn từ tiền đền bù, giải tỏa. Không phải người dân cứ có tiền là xây. Khi có qui hoạch, nhà nước sẽ mở đường, tất cả cùng xây dựng theo qui hoạch.

Như vậy, cái lợi thứ nhất là nhà cửa không lôm nhôm, thứ hai là làm đường xong, xây dựng hạ tầng xong, đất hai bên đường nhà nước bán được với giá cao gấp trăm lần trước đó. Nên không ít công trình trừ chi phí xây dựng, làm đường, nhà nước còn có lãi để tiếp tục đầu tư.

Ở Việt Nam, nếu tính chi li thì có lẽ mới có con đường Phạm Hùng theo được cách làm trên, tuy nhiên, không biết là có chủ định hay... ngẫu nhiên.

Cách làm chưa “lãi” là biểu hiện của một phong cách qui hoạch chưa chuẩn. Ông nhận xét gì khi có người bảo Việt Nam chưa có đường phố nào thật sự đẹp, không lôm nhôm?

Nói về định nghĩa rất phức tạp nhưng phương Tây họ có hai thuật ngữ chỉ hai kiểu thành phố, thứ nhất là Metropolitain và Mega City. Mega City là kiểu phát triển đô thị chủ động, hài hòa, yếu tố cân bằng rõ, có thể phát triển bền vững.

Hà Nội đang được xây dựng theo kiểu Metropolitain, tức là phát triển tự phát, cứ mở rộng, đông người lại lấn tiếp. Như thế qui hoạch rất khó, liên tục phải điều chỉnh.

Hà Nội phát triển theo kiểu đó nên nay có ý kiến đòi sáp nhập cả tỉnh Hà Đông vào mới đủ. Nếu chúng ta có qui hoạch vùng tốt thì không xảy ra điều đó, hay ít nhất đô thị sẽ hài hòa hơn. Bởi bây giờ Hà Nội có 6 triệu dân thì sáp nhập một tỉnh Hà Đông, sau này tăng lên 10-12 triệu dân thì phải sáp nhập thêm mấy tỉnh nữa mới đủ? Các tỉnh khác cũng khá đông dân rồi.

Từ con đường Phạm Hùng mới thấy cách làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng của ta thời gian qua tốn kém quá. Nó xuất phát từ qui hoạch kém, sai “đường lối” hay sao, thưa ông?

Có một điều đáng buồn ở ta là qui hoạch cứ bị giấu giấu giếm giếm. Nhiều quyết định của cấp thành phố, thậm chí của Chính phủ, cũng chỉ nói chuẩn bị làm, còn cụ thể thế nào, cách làm ra sao thì không nói.

Đến khi làm dân mới biết, dáng dấp thì xây xong mọi người mới thấy nên dù thế nào thì sự cũng đã rồi. Thiết kế đô thị chưa xong đã để dân tự phát xây dựng công trình. Xây xong thì không phá được nữa. Thông lệ ở Việt Nam là: cứ qui hoạch, rồi nhà đầu tư vào, họ đòi phải thế này thế khác thì ta lại sửa theo ý họ.

Mật độ xây dựng hẹp đã “băm nát” các khu đô thị mới ở Việt Nam. Trên đường Phạm Hùng, điều lo ngại “vùng đất vàng” sẽ nhanh chóng mất tính hấp dẫn có thể sẽ thành hiện thực khi Hà Nội đã cắt lượng đất ban đầu định cho xây khách sạn là 6ha xuống 4ha, rồi đồng ý cho nhà đầu tư thay đổi mật độ xây dựng?

Không nên điều chỉnh qui hoạch theo từng dự án. Thường khi ta duyệt các khu đô thị mới thì khá thoáng, nhưng khi đo lại thì mật độ đều không đúng như ban đầu. Cái đó do nhà quản lý dễ dãi, thành ra xã hội bị thiệt.

Mảnh đất X2 bị cắt từ 6 xuống 4ha thì mật độ xây dựng khách sạn 5 sao chắc chắn chật hơn, nhà có thể sẽ cao hơn, và 2ha bị cắt kia sẽ được cắt cho nhà đầu tư khác xây dựng tiếp. Như thế cảnh quan chung sẽ không đảm bảo, sẽ khó có sự khác biệt giữa đường Phạm Hùng và các phố mới khác.

Tại các nước, họ qui hoạch chức năng từng khu đô thị rất rõ: trung tâm tài chính, trung tâm chính trị, trung tâm giải trí...; còn Việt Nam cứ tiện thì cho vào? Xu hướng hiện đại là phải chuyên biệt hóa các khu đô thị để hấp dẫn đầu tư?

Đúng vậy. Cần có qui hoạch vùng tốt, chứ hiện tại xây mà chưa biết khu công nghiệp ở đâu, khu dân cư bao quanh thế nào thì không thể chuyên biệt được, một thời gian sau lại lẫn lộn, lại di chuyển.

Khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia, theo thiết kế ban đầu, sẽ được xây dựng thêm một công viên để tạo cảnh quan và một khoảng xanh nữa cho Hà Nội vốn đang thiếu diện tích xanh. Nhưng nếu không đảm bảo được mật độ xây dựng thì rất khó làm được việc này.

Nhất là khi đất nơi này giờ quá có giá, sẽ rất khó giữ được mục tiêu ban đầu là biến nơi đây thành lá phổi của thành phố.

Trước mắt, với con đường Phạm Hùng được giới đầu tư giành giật, ta nên tận dụng yếu tố tâm lý này, nhưng nên hướng tới việc làm sao để có thêm nhiều con đường Phạm Hùng khác nữa?

Trước đây, theo qui hoạch ban đầu, trên đường Phạm Hùng có Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cạnh đó là khu đại học và trung học chuyên nghiệp...

Nhưng bây giờ khu dành cho các trường đại học đã bị cắt, các trường dự trù kinh phí xong cũng đã được thông báo phải chuyển đi chỗ khác. Nhưng khu dành cho 64 tỉnh thành xây dựng các công trình đại diện, đáng ra được xây trên Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) thì nay được dành đất ngay đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Việc thành phố cho xây dựng khách sạn 5 sao ở khu vực đường Phạm Hùng chúng tôi không phản đối, tuy nhiên nên giữ làm sao cho đúng với qui hoạch ban đầu. Các chuyên gia tư vấn Nhật Bản có nói ta nên mở rộng đô thị về phía nam, hướng về phía Hòa Lạc, hơn là phát triển sang phía bờ bắc sông Hồng vì đó là vùng đất thấp.

Ta có thể có cách làm riêng, nhưng với thuận lợi về giao thông mà khu nam thành phố có, ta nên tính đến việc làm thêm các con đường vành đai để tạo thêm những “vùng đất vàng” giống như đường Phạm Hùng. Thật ra với một thành phố đang phát triển như Hà Nội, việc tạo “vùng đất vàng” không khó, cả ở phía nam và bắc thành phố đều có thể làm được. Nếu qui hoạch, mở đường, kiến tạo những công trình công cộng hấp dẫn được người ta về mặt giao thông, hấp dẫn được về cảnh quan, tự khắc đất nơi đó sẽ có giá.

Song, cứ làm đường, xây mấy cái nhà mà không xóa nổi cảm giác quá xa, hạ tầng kém thì không thể tạo “vùng đất vàng” được. Nên có thể nói tạo những “vùng đất vàng” giống, thậm chí hấp dẫn hơn đường Phạm Hùng, hiện không khó, nhưng đòi hỏi những người làm qui hoạch phải giỏi, biết hoạch định chiến lược và có tầm nhìn.

Tiếc rằng bản thân việc này lại không đơn giản.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.