Xăng giảm giá kỷ lục, cước vận tải không giảm: Thiếu biện pháp đủ mạnh

Giá cước vận tải vẫn đứng yên hoặc giảm nhỏ giọt. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Giá cước vận tải vẫn đứng yên hoặc giảm nhỏ giọt. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 14/1, trao đổi với Tiền Phong về việc giá xăng dầu đã giảm rất sâu, nhưng giá nhiều hàng hóa, dịch vụ, nhất là cước vận tải chưa giảm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm nói: “Đây là một thực tế quá vô lý!”.

Ông Cao Sỹ Kiêm nói giá xăng dầu đã giảm rất sâu, tác động mạnh vào nền kinh tế thế giới, nhất là lĩnh vực trực tiếp sử dụng xăng dầu. Chúng ta cũng bị tác động cả tích cực và tiêu cực. Tích cực là chi phí sản xuất đầu vào thấp xuống. Giá xăng dầu giảm, chi phí phải giảm theo thì người dân mới  được hưởng. Nhưng vừa qua, xăng dầu xuống bám sát giá thế giới, nhưng các mặt hàng - trong đó có cước vận tải lại không giảm theo.

Nguyên nhân do điều hành của cơ quan chức năng chưa bắt nhịp thị trường. Nhiều doanh nghiệp khi giá xăng lên thì đẩy giá lên ngay nhưng khi xuống lại không chịu xuống, kể cả trước đây và bây giờ. Chúng ta thấy bắt đầu có dấu hiệu hành động của các cơ quan quản lý rồi, nhưng vẫn chưa thể tác động đến thị trường. Như vậy là điều hành và tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc thị trường không nghiêm túc.

Cuối cùng, kiểm tra, giám sát, quản lý và cơ chế điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời, thậm chí quá thiếu các biện pháp đủ mạnh để tác động vào thị trường đúng hướng. Tất nhiên, thị trường phải theo quy luật cung cầu, nhưng ở đây không theo cung cầu. Các doanh nghiệp đang cố tình vi phạm, lách luật thì chúng ta phải có biện pháp hành chính. Mọi lập luận như chúng ta thấy để không chịu giảm giá, đều là ngụy biện.

Vậy như ông nói phải có biện pháp hành chính -  ở đây là gì?

Nhà nước  phải có quy định rõ: Khi giá xăng tăng lên mức bao nhiêu, giảm xuống mức bao nhiêu thì phải điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa trên thị trường. Tôi không buộc anh cứng nhắc theo một mức, mà phải có một khung, khi rơi vào khung đó DN phải tự điều chỉnh. Đấy là nguyên tắc để quản lý. Thị trường nào cũng đều phải quản lý. Không phải viện vào thị trường, anh muốn làm gì thì làm.

“Không thể lý giải chi phí liên quan đến xăng dầu chiếm tỷ trọng nhỏ nên không giảm giá. Vì trước đây, khi xăng dầu tăng lên anh tăng giá hàng hóa, giá dịch vụ, vận tải ngay. Khi xuống anh lại bảo chi phí này chiếm phần nhỏ để không điều chỉnh – lập luận ấy không chấp nhận được. Hạch toán chí phí rất rõ ràng, chi phí xăng dầu giảm thì giá thành phải giảm, có quy chuẩn, ai cũng thấy. Mọi lập luận như vừa qua đều là ngụy biện. Ở đây có lỗi của nhận thức và điều hành thị trường”. 

TS Cao Sỹ Kiêm

Nhưng nếu các doanh nghiệp vẫn không chịu điều chỉnh giá, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể làm gì?

Khi đã có quy chế, cơ chế thì mới nói được. Có quy chế, cơ chế mà anh không chấp hành tức là vi phạm luật pháp. Lúc đó phải xử lý bằng nhiều cách: Áp lực từ dư luận báo chí, người tiêu dùng, còn cơ quan quản lý đương nhiên phải vào cuộc. Sai phạm đến đâu phải xử nghiêm đến đó. Nhưng mặt này chúng ta làm có phần chưa quyết liệt.

Từ thực tế này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và Quốc hội nói chung cần có ý kiến đối với công tác điều hành vĩ mô như thế nào?

Tôi nghĩ đây là nội dung giám sát của Quốc hội. Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát về điều hành giá cả thị trường, đặc biệt là những mặt hàng quan trọng như xăng dầu, vận tải và một số ngành dịch vụ liên quan trực tiếp đến xăng dầu. Không thể để tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp tăng theo hưởng lợi, nhưng khi giá giảm lại không chịu giảm để trục lợi.

Các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải kiến  nghị cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp, điều hành quyết liệt và minh bạch hơn. Là cơ quan lập pháp, Quốc hội phải giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Ai không chấp hành, vi phạm phải bị xử lý theo quy định.

Vậy theo ông, trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể ở đây là gì?

Các bộ, ngành, đặc biệt là các vị bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm với tư cách là tư lệnh ngành, là cơ quan quản lý, điều hành. Trực tiếp ở đây là Bộ Công Thương, Tài chính, Bộ GTVT và các địa phương phải chịu trách nhiệm. Để xảy ra tình trạng xăng giảm, giá không giảm là quá vô lý, mọi sự ngụy biện là không thể chấp nhận được.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG