Xe nhập - “Thế lực” mới trên thị trường ôtô VN

Xe nhập - “Thế lực” mới trên thị trường ôtô VN
Các loại xe nhập khẩu đang nhanh chóng mở rộng thị phần như một “thế lực” mới trên thị trường ôtô Việt Nam.

Nếu như trước đây trên các nẻo đường Việt Nam chỉ xuất hiện một vài dòng xe nhập khẩu được các “đại gia” mang về nước bằng nhiều con đường thì nay xe nhập khẩu xuất hiện ngày một nhiều và đa dạng cả về chủng loại lẫn thương hiệu.

Chỉ cần “nhẩm tính” cũng có thể biết rõ hiện nay đã có đến 6 hãng xe lớn trên thế giới có đại diện phân phối tại Việt Nam như Hyundai, Kia, Land Rover, Nissan, BMW và Peugeot.

Đó là chưa kể hàng loạt các thương hiệu xe khác từ hạng sang trọng đến xe hạng nhỏ cũng lần lượt xuất hiện tại Việt Nam thông qua các công ty nhập khẩu, qua các cá nhân đưa về theo diện tài sản kèm theo…

Có một xu hướng khá rõ ràng là sự khác nhau về thương hiệu và dòng xe giữa xe mới nhập khẩu nguyên chiếc và xe đã qua sử dụng nhập khẩu.

Nếu như xe đã qua sử dụng được chú ý nhiều nhất là các thương hiệu sang trọng và khá “độc” tại Việt Nam như MayBach, Aston Martin, Bentley hoặc các dòng hạng sang khác như S-Class của Mercedes-Benz, Audi của VW, các dòng X hoặc 7 series của BMW hay Lexus của Toyota… thì xe nhập khẩu nguyên chiếc lại được chú ý với hàng loạt các dòng xe hạng nhỏ như Kia Morning, Huyndai Getz, Toyota Yaris…

Sự phân chia thị phần khá rõ rệt này đã cho thấy khả năng nắm bắt nhu cầu sở hữu xe hơi tại Việt Nam của các nhà nhập khẩu rất tốt.

Mở rộng thị trường

Mặc dù so với nhiều dòng xe được các nhà sản xuất ôtô trong nước lắp ráp, giá của xe nhập khẩu vẫn không rẻ hơn bao nhiêu song rõ ràng xe nhập khẩu vẫn có được những ưu thế nhất định và đã được chứng minh bằng chính sức mua của người dân.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ và liên tiếp của thị trường ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước thời gian qua. Thậm chí đã có một số dự báo cho rằng nếu các nhà sản xuất ôtô trong nước không nhanh chóng đưa ra được những quyết định đúng và kịp thời nhằm vực dậy thị phần của mình thì khả năng “nhường sân” cho xe nhập khẩu ở mức độ cao hơn nhiều là khó tránh khỏi.

Nhận định này được minh chứng bằng 2 xu hướng.

Thứ nhất, hầu hết các dòng xe bán chạy của các nhà sản xuất ôtô trong nước như Lanos, Leganza và Nubira của Vidamco (GM-Daewoo), Zace của Toyota hay Jolie của Vinastar (Mitsubishi) đã hoặc sẽ ngừng sản xuất trong thời gian tới.

Trong khi các nhà sản xuất này chưa có dòng sản phẩm tương đương nào để thay thế thì thị phần của nó đang bị các dòng xe hạng nhỏ nhập khẩu nhanh chóng chiếm lĩnh. Rõ rệt nhất chính là ở đối tượng khách hàng gồm các hãng taxi và hộ gia đình.

Thứ hai, xu hướng tham gia phân phối xe nhập khẩu của các hãng ôtô trong nước cũng ngày càng rõ nét.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới tại Triển lãm Ôtô Việt Nam lần thứ 3 (Vietnam Motorshow 2006), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Nobuhiko Murakami cho biết có thể Toyota cũng sẽ nhập khẩu xe do các thành viên khác của hãng mẹ sản xuất nếu khách hàng có nhu cầu.

Mà nhu cầu này trên thực tế đã hiện rõ ngay tại dòng sản phẩm mới nhất của hãng này là Camry 2007 khi không ít khách hàng đã chọn xe nhập khẩu thay vì mua xe dõ Toyota Việt Nam cung cấp.

Sát sườn hơn, một thành viên mới của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) là Trường Hải cũng quyết định sẽ nhập khẩu và phân phối một loạt xe 5 chỗ của Kia như Picanto, Rio, Cerato, Optima và Sportage.

Bên cạnh đó, 2 mẫu xe khác của Kia đang được Trường Hải phân phối là New Carens và Sorento, Chevrolet Captiva do Vidamco phân phối hay Nissan X-Trail được Motorcare đưa về cũng đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

Theo Đức Thọ
VnEconomy

MỚI - NÓNG