XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc: Lương 15-22 triệu đồng/tháng

TP - “Đó là mức lương trung bình mà lao động huyện nghèo nhận được khi làm việc tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

 Theo Bộ trưởng Chuyền, liên quan đến việc thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi một số nội dung để phù hợp hơn với thực tế. Trong đó, ưu tiên hàng đầu sẽ là đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp tham gia đề án.

Bộ trưởng Chuyền cho biết: “Lao động các huyện nghèo có thể làm việc tại tất cả các thị trường, từ dễ tính đến có yêu cầu cao về chất lượng lao động như Nhật Bản,
Hàn Quốc”.

Được biết, một số lượng lớn lao động là người dân tộc thiểu số đã ra nước ngoài làm việc. Thời gian qua, đã có 18.500 lao động được tuyển chọn đào tạo và gần 10.000 lao động được đưa đi làm việc tại nhiều thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út...); trong đó có tới 95% là người nghèo và người dân tộc thiểu số.

NLĐ các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng ở Malaysia; 6,5-7,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Lybia, UAE, Ả rập Xê út, Ma Cao; 15-22 triệu đồng/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo bà Chuyền, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đã bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, một số chính sách quy định chưa phù hợp như quy định về hỗ trợ đi lại cho NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp (khi tham gia đề án); chưa quy định quy chế ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp và NLĐ; chưa có cơ chế khuyến khích khen thưởng đối với doanh nghiệp thực hiện tốt...

Đặc biệt, do ảnh hưởng của phong tục tập quán và văn hóa, lao động người dân tộc thiểu số chưa quen với cuộc sống xa gia đình, chưa sẵn sàng thích ứng với nhịp sống và làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ lao động cao.

Vì vậy, tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 18%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ học lên tới 60-70% như Đakrông (Quảng Trị), Tân Sơn (Phú Thọ), Mường Nhé (Điện Biên).

MỚI - NÓNG