Xoay tiền chơi chứng khoán

Xoay tiền chơi chứng khoán
Nghe người bạn nói có mối chứng khoán hay, chị Thư- nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội về dốc sạch 100 triệu đồng tiền tiết kiệm. Chưa đủ, chị quay sang vay bố mẹ đẻ, rồi bố mẹ chồng.

>> Bỏ kinh doanh, nhào theo chứng khoán

Xoay tiền chơi chứng khoán ảnh 1
Các nhà đầu tư tham gia phiên giao dịch. Ảnh: Vietanmbiz.

Vay ngược, vay xuôi rồi chị Thư cũng dồn được 200 triệu đồng tiền mặt, chị giao ngay cho người bạn để lấy một tờ giấy có chữ ký và kèm theo phiếu ghi 1.770 cổ phiếu của một công ty điện tử tin học tại TP HCM.

Chẳng chút kiến thức về chứng khoán nhưng thấy khả năng sinh lời cao và nhất là: "Nghe nói nhiều người mua cổ phiếu toàn thấy thắng chứ chưa ai bị mất cả", chị Thư tặc lưỡi.

Thế nhưng khi giao tiền rồi, chị bắt đầu run. Phần vì không biết làm gì với mớ giấy này, phần vì lo đối phó với ông chồng vì kiểu gì chị cũng phải giải trình về cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng của hai vợ chồng. Mấy ngày nay, chị mất ăn mất ngủ, cổ phiếu thì chưa lên sàn, lãi lời chưa rõ mà mẹ chồng thì bao phen gọi điện thắc mắc về số tiền con dâu nhờ lo gấp. "Mới có một tuần mà tôi sụt tới 3 kg, đúng là kiếm tiền không dễ chút nào", chị Thư than.

Ném hết tiền tiết kiệm, của hồi môn lên sàn chứng khoán, đem tiền đổi giấy là một thực tế diễn ra khá phổ biến đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay.

Anh Văn, một đại gia có máu mặt trong giới kinh doanh xăng dầu ở TP HCM mới đây cũng quyết định dốc toàn bộ 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi vào lô 20.000 cổ phiếu Ngân hàng An Bình, với giá 86.000 đồng/cổ phiếu. Anh phân trần: "Nghe bạn bè rủ rê chứ có hiểu gì về cổ phiếu đâu".

Hăng máu là thế nhưng khi bình tĩnh lại anh Văn cũng thấy hoảng. Toàn bộ số tiền anh chật vật làm lụng, tích góp cả chục năm trời bỗng chốc cho vào một canh bạc mà bản thân anh cũng không dám chắc mình sẽ thắng.

Gần chục năm trời kinh doanh, đầu óc đã có "sạn" thế mà anh Văn vẫn không hiểu nổi tại sao chứng khoán lại có thể thu hút con người ta đến vậy. "Có anh bạn tôi cầm cố cả tài sản, công ty, xe dốc cả chục tỷ đồng vào chứng khoán. Khi tôi bày tỏ lo ngại về số tiền 2 tỷ đồng của mình, hội bạn cười ầm cho là nhát gan", anh Văn cho biết thêm.

Lâu nay, đề cập đến chuyện kinh doanh, người ta thường coi cánh mày râu là đối tượng hăng máu và dễ liều hơn cả. Nhưng nhìn thực tế trên thị trường chứng khoán mới thấy, cánh chị em cũng chẳng thua kém ai.

Đêm qua, góc nhà A2, Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội lại nghe tiếng quát nạt của anh Khoa và tiếng khóc thút thít của chị vợ. Số là cách đây một tuần anh Khoa phát hiện chị vợ không đi làm bằng xe máy mà đứng đợi xe bus ở đầu cổng. Hỏi thì chị bảo xe hỏng gửi bên nhà ông bà ngoại. Lấy làm lạ, anh ngấm ngầm điều tra thì phát hiện vợ đang chơi chứng khoán vì không đủ tiền nên cắm tạm xe.

Chưa hết, trong cuốn sổ ghi chép còn thấy kê khai số tiền mà chị vay của anh em lên đến gần 200 triệu (con số mà với đồng lương công chức 2 triệu đồng/tháng của anh không biết bao giờ trả nổi).

"Giận là vậy, song đôi lúc cũng thấy chạnh lòng thương vợ, cũng chỉ vì muốn giúp gia đình mà cô ấy phải làm thế. Quả thật tôi không biết phải làm thế nào để vợ tôi giảm bớt nỗi ám ảnh bởi chứng khoán", anh Khoa nói.

Anh Mai Dũng, ở Khu tập thể Định Công, Hà Nội là một ví dụ. Nghe bạn bè rỉ tai cổ phiếu một công ty xây lắp điện tử ở TP HCM, anh điện ngay cho bà cô ở Bắc Ninh nhờ vay "nóng" cho 50 triệu đồng, trong vòng 10 ngày. Số tiền lãi anh Dũng phải trả là 200.000 đồng/ngày. Chẳng biết lãi từ cổ phiếu được bao nhiêu nhưng nội tiền lãi không anh đã phải trả cho chủ nợ là 2 triệu đồng.

Nhiều người không có tiền dư, chẳng mượn được người thân, bạn bè, cũng liều thế chấp nhà cửa, xe hơi để vay ngân hàng.

Nhận xét về làn sóng đầu tư ồ ạt vào chứng khoán hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội ví von: "Thị trường chứng khoán VN đang phát triển theo hình chữ V giống như đàn vịt đang bơi trong ao. Các nhà đầu tư nối đuôi nhau theo con đầu đàn, nhưng chính con đầu đàn cũng không biết mình đang đi đâu, đích đến là gì nên nó vẫn cứ luẩn quẩn mãi trong chiếc ao hẹp".

Ông Thọ nhấn mạnh một câu mà theo ông rất đúng với thị trường chứng khoán hiện nay là: "Tiền không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, nó chỉ chui từ túi người này sang túi người khác". Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên sử dụng đồng tiền nhàn rỗi của mình để đổ vào chứng khoán chứ không thể đi vay hoặc cầm cố tài sản.

"Chúng ta đang đầu tư theo phong trào, thấy thiên hạ kiếm tiền dễ cũng đổ tiền vào chứng khoán mà không biết rằng phía trước đầy cạm bẫy. Chơi chứng khoán cũng như con người ta bắt đầu yêu, nếu không khống chế được tình cảm của mình có thể mất cả tình lẫn tiền", ông nói.

Theo Phan Linh Anh
Vnexpress

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.