Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu

TP - Chiều 22/5, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội nghị quyết về nợ xấu được để xử lý dứt điểm “cục máu đông” và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

VAMC được bán nợ theo cơ chế thị trường

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, để xử lý nợ xấu hiệu quả, việc tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ là các điều kiện quan trọng nhất. Do vậy, dự thảo nghị quyết đã có những quy định cần thiết về bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ.

Cụ thể, dự thảo quy định VAMC được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ; chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường. Ngoài ra, bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, dự thảo quy định TCTD được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ khi có đầy đủ các điều kiện cho phép.

Báo cáo thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31/12/2016. Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, chiếm 4,56%, chủ yếu các khoản nợ đã được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao NHNN tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý.

Ủy ban Kinh tế đồng tình với nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và cho rằng, điều này phù hợp với nghị quyết kế hoạch 5 năm. Đồng thời, cần rà soát các quy định cụ thể trong dự thảo nghị quyết, bảo đảm phù hợp với các quy định. Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng nợ xấu.

Về bán nợ xấu và tài sản đảm bảo, mua bán nợ xấu của VAMC, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo giá thị trường; cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ là phù hợp với yêu cầu khách quan và thực tế quy định. Điều này góp phần thúc đẩy bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, ngày 21/6.

Thao túng ngân hàng chưa được xử lý triệt để

Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.

Theo ông Lê Minh Hưng, thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.

Cũng do khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia ban kiểm soát đặc biệt do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý.

Ban soạn thảo cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém là cần thiết. 

Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.

MỚI - NÓNG