Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Trả giá vì chưa kiểm soát được dịch bệnh

TP - Do chưa được công nhận kiểm soát tốt dịch bệnh, nên nhiều thị trường từ chối nhập khẩu sản phẩm thịt từ Việt Nam.

Sản lượng lớn, nhưng xuất khẩu vật vã

Tại hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ngày 7/6, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thắng Lợi- một trong số ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thịt lợn nhiều năm nay cho biết, nhu cầu lợn sữa, lợn choai của Việt Nam rất lớn, nhất từ các thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo ông Hoàng, mấu chốt để mở cửa thị trường là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP) và điều kiện các nhà máy giết mổ, chế biến… “Mọi hoạt động xúc tiến đều vô nghĩa, nếu cơ quan thú y hai nước, không đạt được thỏa thuận với nhau. Năm 2014, chúng tôi đã có bài học, khi hồ hởi xúc tiến sang Singapore. Cục Thú y lúc đó cũng làm thủ tục gửi cho họ, nhưng phía họ chỉ trả lời một cách rất ngắn gọn, là không xem xét nhập thịt từ Việt Nam vì đang có bệnh lở mồm long móng”- ông Hoàng nhớ lại.

Ông Hoàng cũng cho rằng, Cục Thú y cần đi xúc tiến thị trường. “Ở nhiều nước, cứ mở trang web cơ quan thú y của họ ra, thấy ngay Việt Nam trong danh sách các nước cấm nhập khẩu”- ông Hoàng nói. 

Cũng do không đáp ứng các điều kiện, các DN Việt Nam “ngậm đắng” trước cơ hội xuất khẩu. Ông Vũ Trọng Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chế biến thực phẩm và Xuất khẩu Nông sản Nam Định cho biết: Hồi tháng 10/2014, đoàn Thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật của Nga sang Việt Nam, đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm với 8 cơ sở giết mổ và trang trại cung cấp lợn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của 8 đơn vị này đều không đạt, nên không xuất được sang Nga.

Cục Thú y cho biết, đến nay, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam chỉ mới xuất chính ngạch được lợn sữa, lợn choai sang Hồng Kông, Malaysia; một ít trứng vịt, trong khi chưa xuất được lô thịt gia cầm nào. Cả năm 2016, cả nước xuất được 11 nghìn tấn thịt lợn, kim ngạch khoảng 100 triệu USD; còn 5 tháng đầu năm nay xuất được 10,6 nghìn tấn, giá trị 46 triệu USD.

Cần xây dựng điều kiện chăn nuôi

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Viện Chăn nuôi Quốc gia, tiêu chuẩn khó nhất với DN xuất khẩu của Việt Nam, là sản phẩm phải xuất phát từ vùng hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là sản phẩm tươi sống. Đến nay, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) vẫn chưa công nhận Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh. Do vậy, sản phẩm thịt sống xuất đi các nước rất khó.

Ông Sơn cho biết, Bộ NN&PTNT đã có đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, đến nay, do thiếu kinh phí, nên vẫn loay hoay 2 năm nay chưa làm được. Chưa kể, việc xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác về chất lượng, ATTP, điều về nhà máy chế biến, giết mổ…

Theo ông Sơn, để xuất được sản phẩm chăn nuôi đi các nước, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản, từ quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn, đến định hướng sản phẩm theo thị trường, xây dựng các bộ tiêu chí, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mới hy vọng 5-10 năm nữa có sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu “made in VietNam” được.

Theo Giám đốc Viện Chăn nuôi, Việt Nam cần đưa ra điều kiện với chăn nuôi. Với các vùng, không thể tăng đàn ồ ạt được, bởi môi trường không chịu nổi, chưa nói về thừa cung.  Thế giới họ quy định rất rõ, để mở một trang trại chăn nuôi lợn, rất nhiều điều kiện khắt khe, nhất là về môi trường. Đặc biệt, họ khống chế số gia súc trên một đơn vị diện tích, còn ở ta, chỗ nào có đất, là nông dân cắm trại, tăng đàn ồ ạt.

“Để xuất chính ngạch, Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe, thậm chí có hàng rào kỹ thuật, nên chúng ta đừng kỳ vọng, ngày một, ngày hai có thể xuất sang thị trường này. Thậm chí, họ có thể yêu cầu chúng ta phải đánh đổi, việc Việt Nam mở cửa cho họ nông sản khác, đặc biệt chúng tôi quan ngại là thịt gà loại  thải của họ”.

TS Nguyễn Thanh Sơn

Cục trưởng Chăn nuôi - ông Hoàng Thanh Vân cho biết, tới đây, trong Luật Chăn nuôi, sẽ đưa chăn nuôi vào dạng  giống như kiểu “kinh doanh” có điều kiện, đặc biệt là môi trường, nếu ai vi phạm có thể “cấm cửa”. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trước mắt, ngành chăn nuôi không nên lao vào xuất khẩu sản phẩm thịt tươi sống ngay, kể cả với thị trường Trung Quốc vì ngay cả Thái Lan cũng chưa làm được, mà tập trung vào thịt chế biến cấp đông. Ông Tám cũng yêu cầu Cục Thú y củng cố tổ công tác, sát cánh cùng DN, đơn vị nào có nhu cầu xuất khẩu thật sự, sau khi có đàm phán của Cục Thú y với các nước, các DN làm đề án gửi cho Cục và từng bước xử lý từng vấn đề một.

MỚI - NÓNG