Ý kiến trái chiều về đánh thuế nhà

Ý kiến trái chiều về đánh thuế nhà
TP - Ngày 19-1, tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thuế nhà đất do Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức ở TPHCM có khá nhiều ý kiến trái chiều.

Chuyên viên kinh tế Lê Văn Tứ cho rằng, Dự luật thuế nhà đất là một loại thuế rất mới ở Việt Nam. Nhà là tài sản một đời người tích cóp, tức là của cải còn lại sau khi người dân đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc thu thuế nhà gây mâu thuẫn vì thu nhập đã trừ thuế, mua sắt thép xi măng xây nhà cũng bị tính thuế, mua đất cũng phải đóng tiền sử dụng đất, nay sở hữu nhà lại đóng thuế dẫn đến thuế chồng thuế, sẽ gây phản ứng dư luận.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đăng Liêm (TPHCM) phân tích, mục đích của thuế nhà đất đang nhằm vào đối tượng có nhiều nhà nhằm chống đầu cơ. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ diễn ra một phần là lỗi quản lý của Nhà nước đã không đủ lực điều tiết sở hữu toàn dân. Nếu sửa lỗi quản lý kém bằng việc cào bằng thu thuế nhà đất là chưa ổn, không phải giải pháp lâu dài.

Ông Liêm ủng hộ việc đánh thuế đất nhưng với thuế nhà, luật sư này phản đối, bởi lẽ quản lý nhà nước còn lỏng lẻo nên rất nhiều đối tượng trốn thuế bằng cách khai gian tài sản, dẫn đến việc truy thu thuế nhà xuất hiện nhiều sơ hở, không đảm bảo công bằng, lại gây tranh cãi.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện nhấn mạnh dự thảo Luật thuế nhà đất chưa phân biệt được bản chất của việc thu thuế. Ông cho rằng không thể dùng thuế để chống đầu cơ vì có thể hiểu nhầm đó là thái độ thỏa hiệp. Ở các nước phát triển thuế tài sản chỉ đánh vào thành phần trung lưu trở lên chứ không cào bằng tất cả các thành phần.

Đến đồng tình

Đa số các doanh nghiệp và giới luật sư đều đồng tình phải có  Luật thuế nhà đất và nhanh chóng áp dụng theo dự kiến từ 1-1-2012. Luật này sẽ góp phần chống đầu cơ, tránh tình trạng nhà đất dồn quá nhiều vào tay một đối tượng trong khi đa phần người dân phải ở thuê.

Theo đó, việc đánh thuế nhà đất sẽ không xét ưu ái cho bất cứ một đối tượng nào, dựa trên một chuẩn nhà ở được định sẵn, có hạn mức diện tích hoặc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.

Tuy nhiên, không ít lo ngại rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì Luật thuế nhà đất có thể dẫn đến sự chồng chéo và đá nhau với Luật Thu nhập cá nhân, Luật Nhà ở, Luật Đất đai.

Phó trưởng đoàn  Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch nhận định, bản chất của thuế nhà đất là truy thu thuế tài sản bất động sản để chống đầu cơ và những đối tượng thu lợi bất chính. Dự luật này cần thiết vì trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi phải có sự điều tiết của Nhà nước để tránh tình trạng người có quá nhiều nhà, người phải ở thuê trong khu ổ chuột.

”Nếu không áp dụng thu thuế nhà đất thì TPHCM và Hà Nội sẽ không có cơ hội tạo ra quỹ đất nhà ở xã hội phục vụ cho người có thu nhập thấp”, ông Lịch nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc thu thuế nhà đất nhưng việc thu thuế này chỉ là vấn đề thời gian và phương pháp chứ không thể không áp dụng. Bởi lẽ, nguồn thu từ thuế hiện nay còn hạn chế, không đủ để phát triển hàng loạt nhu cầu hạ tầng và ổn định xã hội.

Ông cho hay, thuế thu nhập cá nhân hiện chỉ thu được 400.000 người, 1,5 triệu hộ kinh doanh, 320.000 doanh nghiệp trên cả nước. Trong khi đó, nếu áp dụng thuế nhà đất có thể thu được 11 triệu hộ dân, có thể kỳ vọng sử dụng nguồn thu này vào việc tăng số lượng nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.