Hậu vụ án “con trâu”!

Hậu vụ án “con trâu”!
Thua trong tranh chấp một con trâu và con nghé, người bị mất của"ức" nên tự tử. Qua 2 lần xử tòa tuyên trả trâu và nghé cho người đã tự tử. Vụ việc kết thúc: Nhưng những người vi phạm tố tụng trong vụ kiện thì vẫn vô can.

Ông Hoàng Văn Viên ở bản Pảo và ông Sa Văn Khạng ở bản Nà La (cùng xã  Sơn Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) tranh chấp nhau một con trâu mẹ kèm một con nghé.

Cũng giống như nhiều bà con dân tộc thiểu số vùng này, ông Viên, ông Khạng có thói quen thả trâu tự do trên đồi, khi nào cày mới bắt về.

Đầu năm 2000, ông Viên phát hiện đàn trâu của ông bị mất 2 con (một trâu mẹ, một  nghé).  Người nhà ông Viên đi tìm, gặp trâu mẹ và nghé nhà ông Khạng, bèn dắt ngay về nhà mình. Ông Khạng đòi lại, ông Viên không trả...

Thoạt tiên, ông Khạng đưa vụ việc ra Trưởng thôn. Hỏi đặc điểm trâu mẹ và nghé, cả ông Viên và ông Khạng đều nói...đúng phóc ! Trưởng thôn bèn giữ trâu mẹ và nghé, đến tối thả ra, chúng tự tìm về nhà ông Khạng. Trưởng thôn giải quyết: trâu và nghé thuộc nhà ông Khạng.

Ông Viên không đồng ý, khởi kiện vụ tranh chấp ra toà. Ngày 5/7/2000, TAND huyện Văn Chấn xử sơ thẩm, tuyên trâu và nghé của ông Khạng. Ông Viên chống án.

Ngày 18/9/2000, TAND tỉnh Yên Bái  xử phúc thẩm; ông Viên xuất trình được một giấy tiêm chủng trâu mẹ đề ngày 17/9/1999, do cán bộ thú y tên là Quyên ký, trong đó ghi rõ các đặc điểm nhận dạng của con trâu được tiêm chủng trùng khớp với đặc điểm con trâu đang tranh chấp. TAND tỉnh Yên Bái xử, đưa ra phán quyết: Trâu mẹ và nghé của ông Viên.

Sau phiên tòa này, ông Khạng có đơn đề nghị được giám đốc thẩm. Đáng chú ý là nhiều người dân và cán bộ bản Nà La và xã Sơn Lương cũng có đơn, đề nghị xem xét lại bản án này. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cao nhất đều trả lời “không có căn cứ để giám đốc thẩm”.

Sau đó xảy ra chuyện ông Khạng tự tử, ủy ban  Pháp luật của Quốc hội đã cử Đoàn giám sát về địa phương, xem xét  lại các tình tiết của vụ án. Làm việc với Đoàn giám sát, cán bộ thú y Quyên khẳng định không viết giấy chứng nhận tiêm chủng như ông Viên đã trình toà.

Đoàn giám sát  gửi giấy này đi giám định, kết quả chữ viết trong giấy là của... chính ông Viên. Mặt khác, Đoàn giám sát cũng đã làm rõ, trước phiên phúc thẩm, một số cán bộ bản Nà La đã có lời khai với cán bộ Viện KSND tỉnh Yên Bái, khẳng định con trâu mẹ và nghé là của ông Khạng là có căn cứ pháp luật, song những biên bản ghi lời khai này không được đưa vào hồ sơ vụ án...

Ngày 24/1/2005, Chánh án TANDTC đã có kháng nghị, và ngày 28/2/2005, Toà dân sự TANDTC đã xử tái thẩm vụ kiện, tuyên huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao cho TAND tỉnh Yên Bái xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Không chỉ khẳng định vụ án này đã xuất hiện những tình tiết mới, bản kháng nghị của Chánh án  TANDTC còn chỉ ra những  hành vi vi phạm tố tụng của một số cán bộ Viện KSND tỉnh Yên Bái, trong quá trình xét xử vụ kiện.

Ngày 29/4/2005, TAND tỉnh Yên Bái đã mở toà xử sơ thẩm (lần hai) vụ kiện, tuyên trâu và nghé thuộc về ông Khạng. Như vậy là sau 5 năm, bản án sơ thẩm lần hai đã tuyên giống bản án sơ thẩm lần đầu. 

Điểm khác giữa 2 phiên toà này, là ông Khạng đã chết, mà trâu và nghé của ông Khạng cũng đã bị ông Viên bán đi lâu rồi; chỉ còn lại đó câu hỏi: Những cán bộ đã có hành vi vi phạm tố tụng trong vụ kiện này có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật ?

MỚI - NÓNG