Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt: Nhìn từ thuyết tâm - biên

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt: Nhìn từ thuyết tâm - biên
TP - Thuyết tâm - biên vốn bắt nguồn từ quy luật Tôpô đồng mức trong vật lý biểu diễn đường vòng của làn sóng khi có tác động của một lực, chẳng hạn ta ném hòn đá xuống mặt nước.

Càng gần trung tâm vòng tròn càng hẹp thì cường độ càng mạnh, và ngược lại, vòng càng xa trung tâm thì cường độ càng yếu. Giới Việt ngữ học đã vận dụng quy luật này vào nghiên cứu sự biến đổi của tiếng Việt. A. G.

Haudricourt, một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt ngữ học cho rằng muốn nghiên cứu lịch sử tiếng Việt thì phải tìm các di tích hóa thạch trong các phương ngữ.

Tương tự như vậy, khi nghiên cứu văn hóa ứng xử của một cộng đồng nhất định thì những cộng đồng đi ra hải ngoại sẽ bảo lưu truyền thống cổ xưa trong khi ở trong nước chúng đã bị biến đổi, thậm chí bị triệt tiêu. Và điều này đã được chứng minh qua cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt do báo Tiền phong, báo Thanh niên và VTV tổ chức nhằm mục đích thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, giúp cộng đồng người Việt ở hải ngoại luôn hướng về nguồn cội, đồng thời tôn vinh những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

37 thí sinh vượt qua hàng nghìn đối thủ ở các cuộc thi vòng loại tổ chức ở Anh, Đức, Mỹ, Canada, SNG và Việt Nam để có mặt trong đêm chung kết (2/9/2007). 37 gương mặt là 37 vẻ đẹp góp phần khẳng định, tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Ngay từ phần thi đầu tiên (trang phục dạ hội), em gái tôi (học sinh lớp 12) đã có nhận xét: Nhìn chung các thí sinh hải ngoại mang vẻ đẹp truyền thống nhiều hơn. Tiếp tục theo dõi các phần thi tiếp theo, tôi nhận thấy nhận xét của em gái mình không hoàn toàn võ đoán.

Đến khi người dẫn chương trình công bố 5 thí sinh lọt vào vòng thi ứng xử thì nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Có 3/5 thí sinh đến từ hải ngoại (Ngô Phương Lan, Teresa Sam, Natalia Trần).

Sự đúng đắn của nhận định trên lại được củng cố khi BGK công bố danh sách 3 người đứng đầu thì có tới 2 thí sinh sống và học tập ở nước ngoài: Ngô Phương Lan (Hoa hậu, đến từ Thụy Sĩ) và Teresa Sam (Á hậu 1, đến từ Vương quốc Anh) ngôi vị Á hậu 2 dành cho thí sinh trong nước là Đặng Minh Thu (Nam Định).

Có lẽ tất cả những ai chứng kiến đều khâm phục câu trả lời xuất sắc của Ngô Phương Lan, nhiều người bất ngờ vì cô gái 20 tuổi quê xứ Nghệ nhưng lớn lên ở trời Tây lại có nền tảng văn hóa Việt và sự tinh tế trong ứng xử đến vậy, điều mà chúng ta đang “báo động” đối với thế hệ trẻ trong nước.

Có thể nói ở cô là sự hội tụ của “Tứ đức”, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại. Chỉ có đôi điều cấn cái đối với Teresa Sam khi cô không thể trả lời bằng tiếng Việt, vì thế chân dung người phụ nữ Việt Nam ở cô khuyết đi phần ngôn ngữ.

Nhưng nhìn chung ở cô vẫn toát lên sự dịu dàng, đoan trang, phúc hậu nên BGK và toàn thể khán giả đều cảm thông với cô, đặc biệt là khi cô tâm sự với báo giới rằng khi trở về đảo quốc sương mù sẽ dành nhiều thời gian để học tiếng Việt.

Như vậy, qua cuộc thi này ta nhận thấy thuyết tâm – biên khi vận dụng vào nghiên cứu văn hóa một cộng đồng dân tộc vẫn đem lại kết quả chính xác, khách quan. Nhưng đồng thời nó cũng buộc thế hệ trẻ trong nước suy nghĩ nhiều hơn về bản thân mình.

Th.S Bùi Công Kiên
(Xóm 1, Tường Sơn, Anh Sơn, Nghệ An)
(Bài viết có tham khảo tài liệu của GS.TS Phạm Đức Dương)

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.