Người dân khu tái định cư Tân Hiệp, Quảng Trị:

Có tiền nhưng vẫn phải chờ nhà

Có tiền nhưng vẫn phải chờ nhà
TP - Sự cố sụt lún đất tại thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) hồi tháng 2/2006 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 100 hộ dân. Giờ đây, nhà tái định cư cho họ lại có vấn đề. 
Có tiền nhưng vẫn phải chờ nhà ảnh 1
Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hồ và Trần Thị Vy đang mòn mỏi chờ đợi ngôi nhà mới

Trong số hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố sụt, lún đất ở Tân Hiệp có 60 hộ nhà cửa bị hư hỏng nặng, nằm trong khu vực nguy hiểm buộc phải di dời.

Chính quyền huyện và xã đã chọn khu vực Động Mối để lập làng mới cho bà con. Ông Hoàng Kiều, một nhà hảo tâm, đã hỗ trợ mỗi hộ dân Tân Hiệp 10 triệu đồng để xây dựng nhà ở.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã quyết định hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để khắc phục sự cố, sớm ổn định cuộc sống. Trong đó phần hỗ trợ làm nhà là 6 triệu đồng, số tiền còn lại được sử dụng để mua sắm công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, nước sinh hoạt và chi phí vận chuyển.

Cty TNHH An Cư, đơn vị đảm nhận việc xây nhà tái định cư, hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng. Như vậy mỗi căn nhà tái định cư tại Tân Hiệp có kinh phí xây dựng là 17 triệu đồng. Đây là sự giúp đỡ thiết thực đối với bà con Tân Hiệp trong cơn hoạn nạn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Điều đáng buồn là việc thực hiện dự án xây nhà đã nảy sinh không ít bất cập. Phần tường một số ngôi nhà vừa xây xong đã bị cong, vênh, thậm chí bị sập đổ phải xây lại.

Các cột trụ bê tông cốt thép không đảm bảo so với quy định vì đơn vị thi công đã sử dụng xi măng địa phương và sắt gia công không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và không đúng kích cỡ…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do dự án xây nhà sử dụng vừa bằng nguồn kinh phí tài trợ, vừa sử dụng ngân sách của địa phương nên không có ai chính thức đứng ra làm chủ đầu tư.

Vì vậy đã xảy ra tình trạng Cty TNHH An Cư thi công nhà cho dân nhưng không có bản thiết kế dự toán, quá trình thi công không có giám sát.

Trước thực trạng trên, người dân thôn Tân Hiệp đã phản ánh với các cấp chính quyền với hy vọng các bên liên quan sẽ quan tâm hơn đến chất lượng và tiến độ thi công ngôi nhà của mình.

Thế nhưng nghịch lý là sau khi bà con phản ánh, việc xây nhà lại bị đình trệ từ 3 tháng nay. Hiện tại, ngoài 4 ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng hoàn chỉnh, toàn khu tái định cư Tân Hiệp mới chỉ có 26/56 ngôi nhà mới xây xong phần tường, 5 ngôi nhà chỉ mới đổ móng, phần trụ sắt do dầm mưa dãi nắng đã bị hoen gỉ.

20 nhà còn lại chưa biết bao giờ sẽ khởi công. Đứng trước ngôi nhà xây dựng dang dở: Nhà chưa tô trát, chưa làm nền, chưa có cửa, chưa có mái lợp, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hồ và Trần Thị Vy, năm nay đã hơn 85 tuổi, bật khóc khi nói về gia cảnh của mình.

Bà Vy cho biết, do không có đất sản xuất nên người con trai phải đi làm ăn xa, để 2 ông bà già và 5 đứa cháu nhỏ sống với nhau ở khu tái định cư.

Nhà tạm bợ nên ông bà rất lo lắng mỗi khi gặp trời mưa gió. Anh Trần Viết Ngạn, một cựu chiến binh ở Tân Hiệp, tỏ ra bức xúc: Thực tình tôi không ngờ người dân phải chờ đợi quá lâu đến như vậy.

Người ta đưa chúng tôi vào khu tái định cư nhưng chẳng khác gì đem con bỏ chợ. 

Khu tái định cư Tân Hiệp có 60 hộ dân với 323 nhân khẩu, quỹ đất sản xuất dành cho 60 gia đình chỉ có 15 ha đất trồng màu, hoàn toàn không có ruộng nước, người dân không có nghề nghiệp ổn định, nguồn thu nhập hàng ngày của mỗi gia đình đều trông chờ vào công việc rà tìm phế liệu chiến tranh. 
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.