Thuốc nam, thức ăn - chữa bệnh

Thuốc nam, thức ăn - chữa bệnh
“Đau mắt đỏ” (viêm kết mạc) là chứng bệnh hay phát vào cuối mùa xuân và các mùa hè, thu; khi thời tiết trở nên nóng bức hoặc khô hanh.

Mùa hè năm nay, thời tiết sẽ có thể rất nóng, vì vậy cần đặc biệt chú ý đề phòng bệnh đau mắt đỏ, đồng thời nắm vững một số biện pháp phòng trị tương đối đơn giản - có thể thực hiện trong điều kiện gia đình - với những vị thuốc Nam tương đối thông dụng hoặc một số thức ăn hàng ngày.

Bệnh viêm kết mạc lây lan chủ yếu qua dử mắt, nước mắt; thường do dùng chung khăn hoặc chậu rửa mặt. Ngoài ra ruồi nhặng, bụi bặm và một số vật dụng dùng chung, cũng có thể trở thành những trung gian truyền bệnh. Khi trong nhà có người bị đau mắt đỏ, thì người khác có thể bị lây bệnh.

Vì vậy cần kịp thời thực hiện những biện pháp cách li: Cho  bệnh nhân dùng khăn mặt riêng - rửa mặt xong phải giặt sạch khăn mặt bằng xà-phòng và phơi ở nơi có ánh nắng. Cho dùng chậu rửa mặt riêng, nhưng tốt nhất là rửa mặt ngay dưới vòi nước. Ngoài ra, một số vật dụng khác như chăn, màn ... cũng nên dùng riêng.

Viêm kết mạc có nhiều hình thái. Có trường hợp không dùng thuốc gì cũng tự  nhiên khỏi, ngược lại có những trường hợp dùng đủ loại kháng sinh mà hàng tháng bệnh vẫn không khỏi.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là cảm giác ngứa, cộm - như có cát bụi bay vào mắt; mắt sưng đỏ do bị sung huyết, đau nhức, sợ ánh sáng; bệnh phát một bên trước hoặc cả hai mắt đồng thời. Có trường hợp mi mắt sưng tấy, dử mắt ra nhiều như mủ, hai mi mắt dính với nhau rất khó mở mắt.

Trường hợp nhẹ,  khoảng một tuần thì mắt hết xung huyết, trường hợp nghiêm trọng có thể kéo dài 2-3 tuần, nếu không điều trị triệt để có thể biến thành viêm kết mạc mạn tính; có thể xâm phạm đến giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực ...

Đông y gọi đau mắt đỏ là “Thiên hành xích nhãn” (mắt đỏ do thời khí - thời tiết) hoặc “Bạo phát hỏa nhãn” (mắt bị hỏa độc tấn công mạnh). Nguyên nhân chủ yếu là do “phong nhiệt” và “hỏa độc” xâm phạm vào cơ thể gây nên. Đông y cho rằng, những người thể chất vốn “nhiệt thịnh” (chủ yếu là tạng Phế và tạng Can nhiệt thịnh) khi bị ngoại tà  phong nhiệt xâm phạm vào thì rất dễ bị mắc bệnh này.

Bài thuốc cơ bản

Đối với phần lớn các trường hợp bệnh phát nặng, có thể sử dụng bài thuốc Đông - Nam dược, với thành phần như sau:

Bài thuốc cơ bản: Dùng Kinh giới 12g, Phòng phong 12g, Bạc hà 12g, Kim ngân 10g, Chi tử (dành dành) 10g,  Cát cánh 10g, Tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) 10g, Xuyên khung 8g, Bạch chỉ 8g, Cam thảo 4g.

Đối với phần lớn các trường hợp bệnh phát nặng, có thể sử dụng bài thuốc Đông - Nam dược, với thành phần như sau: Bài thuốc cơ bản: Dùng Kinh giới 12g, Phòng phong 12g, Bạc hà 12g, Kim ngân 10g, Chi tử (dành dành) 10g,  Cát cánh 10g, Tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) 10g, Xuyên khung 8g, Bạch chỉ 8g, Cam thảo 4g.

Các vị thuốc nói trên cho vào nồi, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa khoảng 20 phút là được. Riêng vị Bạc hà: Trước khi bắc nồi xuống 3-5 phút, mới cho vào sắc. Chia thành 2-3 lần uống, hoặc uống thay nước trong ngày. Bài thuốc có tác dụng “trừ phong”, “thanh nhiệt”, thường sử dụng để chữa đau mắt đỏ.

- Gia giảm: Nếu nhức đầu nhiều, thêm Mạn kinh tử 8g. Nếu mắt đỏ nhiều, thêm Thạch cao 15g. Nếu ăn uống giảm sút, thêm Bạch truật 12g. Nếu đại tiện táo bón, thêm Đại hoàng (nếu không có có thể thay bằng vỏ cây đại, còn gọi là bông sứ, cây hoa đại) 6g.

Món ăn, thuốc kinh nghiệm

Trường hợp bệnh phát tương đối nhẹ, hoặc để dự phòng đau mắt đỏ trong mùa hè, tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng một trong số  các loại thức ăn, hoặc các bài thuốc Nam sau đây:

- Bài 1: Mía 60g, Củ năn 60g. Hai thứ rửa sạch, thái nhỏ, thêm một lượng nước thích hợp, sắc nước uống thay trà trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang, liên tục trong 5-7 ngày

- Bài 2: Búp chè 20g, Trứng gà 3 quả. Cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước, luộc đến khi trứng chín. Bóc vỏ trứng, sau đó cho vào nồi luộc lại  10-15 phút nữa là được. Chia thành 3 lần ăn trong ngày, mỗi lần 1 quả; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 3: Trà búp 5g, Cúc hoa 10g. Hãm nước sôi uống thay nước trà trong ngày; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 4: Trà búp 5g, Mướp đắng tươi 50g (khô 20g). Hãm nước sôi uống thay nước trà trong ngày; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 5: Trà búp 3g, Tang diệp (lá dâu tằm) tươi 15g (hoặc 7g khô), Cúc hoa 10g, Cam thảo 5g. Sắc nước uống thay nước trà trong ngày; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 6: Ngó sen tươi 50g, Đậu xanh 20g, Hoàng hoa thái (lá cây hoa hiên) 10g, Rau sam 20g, Tâm sen 6g, Cúc hoa 10g, Gạo tẻ 50-100g. Thêm một lượng nước thích hợp, nấu thành cháo, chia thành 3 phần ăn trong ngày. Ăn nóng, nếu cháo đã nguội cần hâm lại; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 7: Dùng rau sam 30g, Hoàng hoa thái (lá cây hoa hiên)  30g, sắc nước uống thay nước trong ngày; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 8: Dùng mật dê 3 cái, mật ong 150g. Cho dịch mật dê và mật ong vào nồi, nấu nhỏ lửa, vừa nấu vừa trộn đều tay, khi thấy đặc quánh lại thì bắc xuống, để nguội, bảo quản trong tủ lạnh dùng dần. Ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng 2 thìa cà phê cao thuốc, hòa với nước sôi uống; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 9: Dùng mộc nhĩ trắng (Ngân nhĩ) 30g, Gan lợn 200g; Mắm muối và gia vị vừa đủ nấu thành món canh, ăn trong bữa cơm; liên tục 5-7 ngày.

- Bài 10 : Gan lợn 300g,  Huyền sâm 15g; Mỡ, Hành, Gừng, Tương, Đường, Rượu trắng, Bột mì - mỗi thứ một lượng thích hợp. Chế biến: Gan lợn rửa sạch,  cùng với Huyền sâm cho vào nồi nấu trong 1 giờ. Vớt gan ra, thái nhỏ, chế biến với mắm muối, gia vị thành món xào, làm thức ăn trong các bữa cơm hàng ngày; liên tục 3-5 ngày.

Thuốc bôi, rửa

- Bài 1: Dùng Tang diệp (lá dâu tằm) 15g, Cúc hoa 15g. Sắc lấy nước, bỏ bã, dùng để rửa mắt, mỗi ngày rửa 2-3 lần, liên tục 5-7 ngày.

- Bài 2: Dùng Tang diệp (lá dâu tằm) 15g, Rau sam 15g. Sắc lấy nước, bỏ bã, dùng để rửa mắt, mỗi ngày rửa 2-3 lần, liên tục 5-7 ngày.

Nếu không có Cúc hoa và Rau sam, chỉ dùng riêng Tang diệp nấu nước rửa cũng có tác dụng khá tốt.

MỚI - NÓNG