Nga – Mỹ và nguy cơ đối đầu quân sự

Ảnh: NBC News
Ảnh: NBC News
TPO - Trong trường hợp xấu nhất, quan hệ hiện tại giữa Nga và Mỹ sẽ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự.

Hãng Sputnik dẫn tuyên bố của ông Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong chính sách toàn cầu", kiêm Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, khi bình luận về kết luận trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSR).

"Tôi nghĩ rằng trong biểu hiện cực đoan nào đó, tại nơi giao nhau của các trường hợp xấu nhất, tình hình có khả năng leo thang thành cuộc xung đột quân sự. Nga và Mỹ, nhiều thời điểm đã coi nhau là đối thủ như thời Chiến tranh lạnh”, ông Lukyanov nói.

Theo ông Lukyanov, khác với thời Chiến tranh Lạnh, “bây giờ cơ chế ổn định kém hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng có thể giảm nguy cơ hành động không lường trước cũng kém hơn nhiều”.

“Điều làm xói mòn niềm tin vào việc điều tiết các quá trình là hoàn toàn thiếu tôn trọng lẫn nhau”, chuyên gia Nga cho biết.

Ông Lukyanov cho rằng nguy cơ xung đột nằm trong những tuyên bố công khai thiếu cân nhắc hiện nay khi người ta cố gắng tạo ra hiệu ứng nhất thời, thay vì đạt được mục tiêu lâu dài. Theo chuyên gia, trong quan hệ giữa hai siêu cường quân sự, điều đó vô cùng nguy hiểm.

Trong một báo cáo mới đây, CSR đưa ra nhận định, về triển vọng trung hạn, Nga vẫn sẽ là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới về mặt quân sự, và việc gây hấn quân sự trực tiếp chống Nga khó có thể xảy ra.

Báo cáo của CSR đồng thời cũng lưu ý rằng Nga có khả năng “là trung gian hòa giải trong đối thoại liên văn hóa và liên văn minh, đồng thời tham gia tích cực trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, cuộc đối đầu với phương Tây trong thời gian dài gây hại cho Nga và “đặt nó trước lựa chọn, một mặt giữa chủ quyền và an ninh và mặt khác, tham gia vào các tương tác xuyên biên giới và toàn cầu”.

Hôm 28/6, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng Nga sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự để tự vệ chống mọi kẻ thù tiềm năng, đồng thời để đảm bảo hoạt động hệ thống cân bằng cho tất cả các quân chủng và binh chủng.

"Một lực lượng vũ trang hiện đại, hùng mạnh và cơ động mới có khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nước Nga và các đồng minh trước bất cứ đối thủ tiềm tàng nào, trước sức ép từ những quốc gia không muốn nước Nga độc lập, có chủ quyền", Tổng thống Putin tuyên bố trước lễ tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học quân đội Liên bang.

Theo lời Tổng thống Nga, "trong những năm qua, sức mạnh quân đội Nga đã được củng cố, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ sĩ quan, và điều này được minh chứng bởi hoạt động chống khủng bố ở Syria".

“Chúng ta có kế hoạch thúc đẩy hơn nữa sức mạnh chiến đấu của lục quân và hải quân, đưa ra hoạt động hài hòa và phù hợp cho tất cả các nhánh và quân chủng trong quân đội dựa vào các kế hoạch và chương trình dài hạn, đồng thời tăng cường chất lượng và sức mạnh cho huấn luyện chiến đấu”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, Nga đã quay trở lại top các nước hàng đầu chi tiêu quân sự khi Moscow gia tăng số tiền tiêu cho quốc phòng năm 2016 lên 69,2 tỷ USD.

Mức tăng 5,9% trong chi tiêu quốc phòng 2016 của Nga chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc trong danh sách những quốc gia tiêu nhiều nhất cho quân sự.

Năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ kế hoạch chi tiêu hơn 20 nghìn tỷ ruble (360 tỷ USD) để hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự đã lỗi thời đến năm 2025.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG