Những điều chưa kể về một con đường đẹp

Những điều chưa kể về một con đường đẹp
TP - Bây giờ từ Hà Nội về Ninh Bình, ô tô chạy theo đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình chỉ khoảng 1 tiếng, cảnh quan đẹp và văn minh. Nhưng ít ai biết, nếu Bộ GTVT không quyết đoán, con đường này chưa biết bao giờ mới thông xe.

> Phí đường cao tốc đi Ninh Bình cao nhất 280.000 đồng/lượt
> Thông xe cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Giờ đi trên con đường đẹp, thoáng đãng, tốc độ cao, nhưng nhiều tháng trước đó, lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) nhiều đêm phải ra tận công trường điều hành, động viên các đơn vị thi công.

Nhiều công nhân còn kể lại, có những thời điểm, trực tiếp ông Mai Tuấn Anh-Tổng Giám đốc VEC (chủ đầu tư) cùng các Phó Tổng giám đốc nửa đêm đầu đội mũ bảo hiểm xông xáo giữa bụi mù máy móc.

Được biết, sau 6 tháng thông xe con đường này thu được 100 tỷ đồng phí lưu thông. Lưu lượng phương tiện mỗi ngày khoảng 12-14 nghìn xe và tăng thêm mỗi tháng 1 nghìn xe. Nhưng điều quan trọng nhất là hiệu quả về mặt xã hội không thể quy thành tiền.

Theo VEC, từ khi thông xe tới nay chưa có vụ tai nạn giao thông (TNGT) nào gây thương vong. Chưa kể, việc tiết kiệm hành trình mỗi chuyến xe không ai đo đếm nổi.

Trước đó, với tình hình tắc nghẽn giao thông liên tục tại QL1A, Bộ GTVT đã tạo cơ chế để thông xe sớm (vào ngày 30-6-2012) thì (tính tới thời điểm này) coi như mất không 100 tỷ đồng vừa thu trên.

Chắc chắn trong con số giảm gần 2 nghìn người chết vì TNGT năm 2012 (kỷ lục trong 10 năm qua) vừa được công bố, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình góp một phần không nhỏ.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khởi công gói thầu đầu tiên ngày 7-1-2006. Công trình đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 – 200km/giờ với quy mô nền đường 6 làn xe, mặt đường 4 làn xe, chiều rộng nền đường 35,5m. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường cao tốc phía Đông (quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ).

Tuy nhiên, vì mục tiêu thông xe điều tiết lưu lượng giao thông và giảm áp lực cho QL1A (đoạn Đại Xuyên-Ninh Bình đang cải tạo nâng cấp), Bộ GTVT cho phép các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm để làm mặt đường quá độ (do độ lún dư còn nhiều nên làm mặt đường bằng láng nhựa, sau khi hết lún sẽ được thảm bê tông nhựa).

VEC lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ không quá 40km/h cho các đoạn này, theo dõi bù lún và áp dụng các gờ giảm tốc, cũng như bố trí người trực hướng dẫn giao thông.

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng cho phép thông xe khai thác tạm thời đoạn tuyến QL21 đến nút giao Cao Bồ.

Cũng do chưa đủ thời gian gia tải chờ lún, nền đường lún không đều, tốc độ lún lớn ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường. Tất nhiên, những sự cố này được xử lý ngay tức khắc để đảm bảo an toàn và thẩm mĩ cho con đường.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, đi qua đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, nụ cười má lúm của nữ nhân viên thu phí khiến cánh lái xe thêm yêu con đường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG