BRT hoạt động: Nâng tầm vận tải công cộng Thủ đô

BRT lăn bánh trên đường.
BRT lăn bánh trên đường.
TP - Sau nhiều năm chờ đợi, vừa qua người dân Hà Nội đã tận mắt chứng kiến và trải nghiệm xe buýt nhanh (BRT) lần đầu tiên lăn bánh trên đường Hà Nội. Với sức chứa lớn, vận tốc nhanh, xe hiện đại, buýt BRT được đánh giá sẽ là loại hình vận chuyển “nâng tầm” vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Thủ đô.

Loại hình văn minh, khối lớn

Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT (Tổng Cty Vận tải Hà Nội) - đơn vị vận hành tuyến buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, cho biết, tuyến dài 14 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã được chính thức vào vận hành 1/1/2017. Do là lần đầu tiên Hà Nội có buýt BRT, để người dân Thủ đô có dịp làm quen, trải nghiệm, trong tháng vận hành đầu tiên đơn vị quản lý đã miễn phí cho hành khách đi xe buýt BRT. Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT cho biết, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm để hành khách tiếp cận, tần suất hoạt động của buýt BRT là 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22 đến 30 km/giờ, thời gian vận hành một lượt là 45 từ 55 phút. Tuyến buýt nhanh BRT có 21 nhà chờ và 2 trạm dừng đầu và cuối tuyến phục vụ đón trả khách khi hoạt động.

Theo Sở GTVT Hà Nội, các phương tiện VTHKCC mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân vẫn bám chắc vào ý thức của người dân. Thực tế này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhiều khu dân cư, tuyến đường, ngõ phố vẫn chưa tiếp cận được với xe buýt, bất tiện cho việc di chuyển. Thứ hai, tốc độ, thời gian vận chuyển của VTHKCC chưa đáp ứng được yêu cầu của hành khách.

Với các ưu điểm về xe chạy trên làn đường dành riêng, chở được nhiều và thời gian chạy nhanh hơn xe buýt thường, buýt BRT được xem là một cú hích để nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt nói riêng và từng bước hoàn thiện mạng lưới VTHKCC Thủ đô nói chung. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: BRT có sức chứa lớn tới 90 khách/chuyến, năng lực vận chuyển lớn, hạ tầng hoạt động đảm bảo an toàn cho hành khách. Ngay từ thiết kế cơ bản của xe, toàn bộ xe BRT đều được trang bị hộp số tự động. Ðiều này giúp lái xe thuận tiện khi điều khiển, tập trung lái xe, không cần nhiều thao tác phụ. Ðồng nghĩa với việc an toàn hơn cho hành khách, giảm rung lắc cho khách ngồi trên xe. Không chỉ trên xe buýt, mà toàn bộ nhà chờ buýt BRT cũng được phủ sóng Wifi, trang bị hệ thống kiểm soát vé điện tử tự động…

Theo công suất của tuyến BRT, trung bình mỗi hướng xe vận chuyển được khoảng 1.400 hành khách/giờ; tương đương với hơn 14.000 khách/ngày. Theo ông Hải, khối lượng trên mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến. Nhưng tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội sẽ giúp người dân tiếp cận, làm quen với các loại hình VTHKCC văn minh, khối lớn.

BRT hoạt động: Nâng tầm vận tải công cộng Thủ đô ảnh 1
BRT hoạt động: Nâng tầm vận tải công cộng Thủ đô ảnh 2
BRT hoạt động: Nâng tầm vận tải công cộng Thủ đô ảnh 3

Với sức chứa lớn, vận tốc nhanh, hiện đại, buýt BRT được đánh giá sẽ “nâng tầm” VTHKCC Thủ đô. Ảnh: Như Ý.

Càng khó, càng phải làm

Theo Tiến sỹ Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, thực trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã rất nghiêm trọng. Ðể đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm ùn tắc thì phải đầu tư hạ tầng, mở rộng đường, để phát triển VTHKCC. Với những ưu điểm nổi bật, xe buýt đang được nhiều thành phố trên thế giới vận hành. Tại Hà Nội, với những hạn chế về hạ tầng, bất cập về lượng phương tiện đông, sẽ được bộc lộ, thậm chí dư luận nhân dân phản ứng khi buýt BRT hoạt động trên đường. Tuy nhiên, nếu cứ thấy khó khăn, dân phải ứng mà không làm thì VTHKCC Thủ đô chỉ mãi mãi chỉ có xe buýt thường. “Do đó, dự án BRT phải được vận hành thử nghiệm trên đường và khi chạy thử rồi, nếu phát hiện bất cập sẽ lập tức phải điều chỉnh. Càng khó, càng có nhiều ý kiến thì càng phải làm để điều chỉnh, hoàn thiện”, TS Phạm Sanh chia sẻ. 

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, trên làn đường riêng sẽ gắn camera theo dõi, ghi hình và xử phạt nguội các phương tiện lấn chiếm không gian lưu thông dành cho xe buýt BRT. Làn đường riêng được phân tách với bên ngoài bằng hệ thống sơn kẻ vạch, công - son, biển báo. “Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông”, ông Hà nói.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: BRT là xu hướng VTHKCC ở tầm trung, cao hơn xe buýt thường và thấp hơn đường sắt đô thị. Ở nhiều quốc gia, người ta phát triển hết mức buýt BRT rồi mới nâng cấp lên đường sắt đô thị. Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến BRT, có những tuyến trùng với đường sắt đô thị. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì, bởi BRT sẽ là phương tiện gom hành khách, hỗ trợ hiệu quả các phương tiện VTHKCC khác. "Vì tính tiện dụng, chất lượng xe và một số dịch vụ tốt hơn nhiều xe buýt thường. Nếu người dân lựa chọn tôi tin rằng với điều kiện hạ tầng dành cho đi lại hiện nay, buýt BRT sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại về mọi mặt. Cùng với đó là góp phần giúp thành phố hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc", ông Hải tin tưởng.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, trong thời gian tới, Hà Nội phát triển thêm 7 tuyến BRT khác. Theo ông Viện, lựa chọn và phát triển buýt BRT tại thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn và tối ưu nhất. Trên thế giới, rất nhiều thành phố phát triển, cũng đang chọn loại hình giao thông công cộng này để hạn chế ùn tắc. Bên cạnh đó, để đầu tư tàu điện trên cao và tàu điện ngầm sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí lớn.. Do vậy phát triển buýt nhanh BRT là một lựa chọn tối ưu nhất.

MỚI - NÓNG