Cung ứng rau, thịt an toàn: Phải chịu trách nhiệm đến cùng

Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau củ...
Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau củ...
TP - Hà Nội đã ký kết với gần 20 địa phương phía Bắc về cung ứng rau, thịt. Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Hà Nội cần xây dựng nhiều chuỗi liên kết thực phẩm, chứng nhận các cơ sở bán rau thịt an toàn, chịu trách nhiệm tận cùng với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đó.

Dán tem từng miếng thịt

Tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội năm 2015 ngày 30/12, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) phàn nàn nhiều bất cập liên quan đến cung ứng, quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo bà Hậu, năm qua nhờ tham gia chương trình kết nối, tiêu thụ rau, thịt ở Hà Nội và các địa phương, doanh số hàng tươi sống của Fivimart tăng lên tới 200% so cùng thời điểm năm trước. Người tiêu dùng cũng quen dần vào siêu thị để “đi chợ”. Tuy nhiên, bà Hậu cho biết, hiện quy trình lựa chọn sản phẩm của nông dân chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu của siêu thị, số lượng rau hỏng nhiều, khiến chi phí bị đội lên.

“Ở TPHCM, khi liên kết, họ chỉ cho gia cầm đã giết mổ vào Thành phố, chứ không phải gà lông. Hà Nội đã làm được chưa? Hay quy định phản bán thịt, ở chợ truyền thống thế nào, khu dân cư ra sao. Rồi việc vận chuyển thịt từ nơi vào khác, bằng phương tiện gì… Tôi vẫn thấy lợn “khỏa thân” chạy búa xua trên đường… Chúng ta phải có quy định cụ thể chứ”.        

Thứ trưởng 

Bộ NN&PTNT 

Vũ Văn Tám

Bà Hậu đề cập chuyện cán bộ thú y “dán tem lấy tiền”. Bà Hậu cho biết, một khối thịt, siêu thị lấy từ cơ sở giết mổ về sẽ có kiểm dịch, nếu bán cả khối thịt cho khách thì không sao. Tuy nhiên, siêu thị bán lẻ phải xẻ ra từng khai 3-5 lạng/miếng để bán, lại gặp rắc rối lớn. “Tức là trên miếng thịt vài lạng xẻ ra đó, có tới 3 loại tem dán, là tem trọng lượng, tem sản phẩm và tem thú y. Dán gần hết mặt miếng thịt. Trong đó, tem thú y, thường được kiểm dịch viên kiểm tra, dán và bán cho chúng tôi 500 đồng/tem. Hàng thịt nhập về từ siêu thị từ sớm, nếu cán bộ thú y đến đúng giờ thi không sao, nhưng đến muộn thì thịt bị ôi mất. Tôi đã “khóc” nhiều lần lên cơ quan quản lý nhưng chưa giải quyết được”, bà Hậu băn khoăn.

Nói về uy tín và niềm tin về đơn vị cung cấp, bà Hậu dẫn câu chuyện tiếu “cười ra nước mắt” về hai ông bán chè và rau bị ung thư ngồi than thở với nhau. Bà kể: Ông bán chè bảo, rõ ràng, chè tôi trồng riêng để uống, không phun thuốc, mà vẫn bị ung thư; còn ông bán rau bảo, tôi cũng để một ruộng rau ăn, nhưng vẫn có bệnh ung thư… Ở đây, đơn giản vì ông bán chè mua rau phun thuốc của ông bán rau và ngược lại. “Do vậy, sản phẩm chúng tôi bán cũng là cái chúng tôi dùng, nên không thể dung túng cho sản phẩm làm sai, dối được”, bà Hậu nói.

Nghe phản ánh trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói: “Tôi rất bất ngờ là thịt bán ở siêu thị, cán bộ thú y lại đến dán tem thu tiền. Nếu có như bà Hậu phản ánh, tôi đề nghị Cục Thú y kiểm tra, xem lại. Nếu Chi cục Thú y Hà Nội làm thế này thì tôi thấy không cần thiết, và không thể để bất cập như vậy được”. Theo ông Tám, với các chuỗi liên kết chặt chẽ, doanh nghiệp đã có quy trình kiểm tra, giám sát, đảm bảo, cam kết về ATTP với người tiêu dùng, phải giảm các thủ tục, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chỉ lấy mẫu thịt kiểm tra theo tần suất nhất định. Tương tự với mặt hàng rau cũng làm như vậy, nếu siêu thị có chuỗi rau và cam kết với người tiêu dùng.

Chịu trách nhiệm với người tiêu dùng

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết, nhu cầu về thực phẩm của thành phố rất lớn, mỗi ngày khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau củ các loại… Tuy nhiên, đến nay, sản xuất tại địa bàn chỉ mới đáp ứng dược 58% nhu cầu về thịt, khoảng 60% rau củ tươi, 70% cá… còn lại phải lấy từ địa phương lân cận. Theo ông Mỹ, thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội được bày bán khắp nơi, từ chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị… nên việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng rất khó khăn.

Tuy nhiên, ông Mỹ cho biết, qua việc lấy mẫu, kiểm tra, tới 95% rau tiêu thụ tại Hà Nội đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong liên kết với các địa phương, Hà Nội cần xây dựng cơ chế truy xuất được nguồn gốc rau, thịt. Cơ sở phân phối mua hàng của cơ sở có giấy chứng nhận, phải có hồ sơ lưu, hoặc cam kết, giấy giao nhận, mua của ai, khi nào, bao nhiêu. Và trên bao gói sản phẩm phải thể hiện rõ thông tin nguồn gốc.

Theo ông Vũ Văn Tám, Hà Nội chưa chỉ ra được, đến nay thành phố có bao nhiêu cửa hàng đảm bảo các quy định về ATTP và ở đâu để người tiêu dùng tìm đến. Các siêu thị hiện nay đã đảm bảo an toàn chưa? “Khác với trước đây, các cơ sở tự công bố thực phẩm của họ an toàn. Trong đợt cao điểm về kiểm soát ATTP dịp Tết này, cơ quan quản lý phải xác nhận các sở bán rau, thịt an toàn, và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết. Đây là sự mong đợi của người tiêu dùng, đặc biệt là thời điểm dịp Tết này với nhu cầu nguồn rau, thịt rất lớn”, ông Tám nói.

MỚI - NÓNG