Dịch vụ gì cho phố đi bộ quanh Hồ Gươm?

Kể từ 1/9 CSGT Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Ý
Kể từ 1/9 CSGT Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Ý
TP - Cho rằng việc mở rộng phố đi bộ để khai thác lợi thế không gian văn hóa Hồ Gươm là điều cần thiết đối với Hà Nội, tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến cáo, thành phố nên thận trọng khi quyết định cấm phương tiện nhiều tuyến phố phục vụ thí điểm mở rộng phố đi bộ. Mặt khác, thành phố cần xem xét kỹ việc duy trì hoạt động kéo dài từ  19h tối thứ Sáu đến 24h đêm Chủ nhật, trong khi các dịch vụ đi kèm chưa sẵn sàng.

Nhu cầu của du khách không chỉ là đi bộ

Cho rằng việc mở rộng phố đi bộ là chủ trương cần thiết để tạo ra “đặc sản” cho Thủ đô, tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam băn khoăn trước việc thành phố thí điểm mở rộng và duy trì phố đi bộ hoạt động liên tục từ 19h ngày thứ Sáu, đến 24h ngày Chủ nhật, trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ các sản phẩm dịch vụ “níu chân” du khách.

Ông Liêm phân tích: Khi mở rộng phố đi bộ ra cùng lúc nhiều tuyến phố, thành phố cần làm rõ những vấn đề sau: Khách du lịch đến với phố đi bộ để làm gì? Du khách đến phố đi bộ ngoài việc tham quan, còn có nhu cầu được mua sắm hàng hóa là đặc sản của thành phố giống như đi du lịch ở thành phố Hội An hoặc thành phố Huế. Trong khi chưa lựa chọn được sản phẩm dịch vụ đưa vào đề án thí điểm, thành phố cần thống kê xem quanh Hồ Gươm hiện có những cửa hàng gì phục vụ nhu cầu du khách? Nếu chưa có nhiều dịch vụ đi kèm giữ chân du khách, liệu có cần thiết cấm đường trong 3 ngày cuối tuần, bởi việc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân trong vùng phố cấm.

Du khách đi bộ không thể đi bộ mãi, họ cần có ghế để nghỉ ngơi, cần nhà vệ sinh giải quyết nhu cầu thiết yếu, vậy Hồ Gươm đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất chưa? “Tôi đã đi tham quan một số nước, đặc biệt ở thành phố Bordeaux (Pháp) và thấy rằng, chính quyền thành phố rất chú trọng phát triển dịch vụ đi kèm nhằm giữ chân du khách. Đây là điều Hà Nội cần nghiên cứu và bổ sung sớm cho không gian đi bộ Hồ Gươm. Chúng ta phải cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu tiền của du khách...”, ông Liêm nói.

Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng khuyến cáo thành phố cần xem xét kỹ việc cấm đường liên tục 3 ngày cuối tuần, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cho người dân và du khách. “Cùng lúc mở rộng trên nhiều tuyến phố thì cũng cần xem xét kỹ lưỡng, bởi việc này tác động đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân, hoạt động của các cơ quan trong khu phố đi bộ. Để có thể triển khai đạt hiệu quả, thành phố cần quy hoạch một hệ thống bãi trông giữ xe ở những vị trí thuận lợi, không để người dân và du khách bị “chặt chém””, bà An nói.

Mặt khác, Hà Nội cần xây dựng một tuyến xe buýt vành đai đưa người dân đến sát khu vực phố đi bộ để người dân ra - vào thuận lợi, thay vì phải đi phương tiện cá nhân.

Dịch vụ phải tốt mới giữ được chân du khách

Là một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Công Năng trưởng phòng Truyền thông, CtyVietrantour cho rằng, để kế hoạch thí điểm mở rộng phố đi bộ ra khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận thu được kết quả tốt, đồng thời giữ chân được du khách, Hà Nội phải chuẩn bị đầy đủ các dịch vụ đi kèm, bao gồm khu ăn đêm, các club, quán bar, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, các cửa hàng tiện lợi phục vụ du khách, giống như hệ thống cửa hàng 7 - Eleven của Thái Lan để du khách dễ dàng vào mua chai nước, hoặc đồ ăn nhanh. Thêm nữa, thành phố có thể xem xét thành lập cảnh sát du lịch và đường dây nóng hỗ trợ du khách kịp thời.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, các dịch vụ đi kèm là điều kiện quan trọng để “níu chân” khách du lịch khi đến với phố đi bộ Hồ Gươm, như việc du khách đến với phố cổ những năm qua. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, Hồ Gươm là di tích đặc biệt cấp Quốc gia nên việc đưa vào các dịch vụ thương mại cần phải cân nhắc kỹ và tiến hành thận trọng, phải lựa chọn dịch vụ cho xứng tầm không gian văn hóa Hồ Gươm.

“Hồ Gươm là biểu tượng của Thủ đô và là di tích cấp Quốc gia, nên cần thử nghiệm, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn các loại hình dịch vụ xứng tầm với không gian văn hóa Hồ Gươm, bởi không thể đưa các loại hình mang đặc điểm dịch vụ du lịch đường phố triển khai ở vùng lõi phố cổ ra không gian văn hóa Hồ Gươm, không thể đem các hoại hình văn hóa truyền thống đang áp dụng ở không gian hẹp phố cổ ra không gian văn hóa rộng lớn như Hồ Gươm”, ông Long nói.

Trong đề án mở rộng phố đi bộ có cả phần dịch vụ đi kèm, nhưng trước mắt, các cửa hàng, cửa hiệu hiện có trong khu vực sẽ được duy trì. Theo từng giai đoạn, thành phố sẽ xem xét bổ sung các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của du khách dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá thực tế. “Nếu đưa nhiều dịch vụ vào ngay trong giai đoạn tổ chức thí điểm sẽ rất khó quản lý, dễ gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường...”, ông Long bày tỏ.

MỚI - NÓNG