Đường sắt đô thị thi công ì ạch- Bài 3:

Đìu hiu công trường siêu dự án

Sau đường ray, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị chậm “gói” nhà ga. Ảnh: Trọng Đảng
Sau đường ray, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị chậm “gói” nhà ga. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Là một trong những siêu dự án có tổng mức đầu tư lớn, lẽ ra sau khi được thi công tổng thể, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải tranh thủ thi công đêm, ngày. Nhưng thực tế lại vắng vẻ, đìu hiu một cách lạ lùng.  

Đại diện chủ đầu tư thừa nhận, cán bộ của Tổng thầu Trung Quốc không thường xuyên có mặt tại Việt Nam, dẫn đến không có đầu mối trao đổi.

Vắng bóng công nhân

Thời điểm tháng 9/2014, khi dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông lao lắp dầm và bắt đầu đổ trụ các nhà ga, trên công trường có hàng nghìn công nhân, kỹ sư của Việt Nam và Trung Quốc thi công. Để không ảnh hưởng đến giao thông, việc thi công trên tuyến chủ yếu diễn ra về đêm đến sáng hôm sau.

“Do lần đầu tiên thấy những chiếc cẩu to bằng cả tòa nhà 7 tầng, cẩu những phiến bê tông lắp lên trụ, bà con phấn khởi lắm”, ông Nguyễn Minh Thắng, một hộ dân sống trên đường Quang Trung, Hà Đông chia sẻ. Tuy nhiên theo ông Trung, từ sau Tết Ất Mùi đến nay, tình hình ngược lại -  công trường vắng bóng công nhân.

Còn Bộ GTVT lại khẳng định, sau khi dự án bị dừng vì một số vụ tai nạn, đến nay đã thi công bình thường. Tuy nhiên, thực tế trên công trường dự án những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, mặc dù nhiều nhà thầu có treo biển báo: “Công trường đã được thi công trở lại từ tháng 11/2014”.

Vậy nhưng, có mặt trên công trường dự án đêm 25/3, chúng tôi ghi nhận, tất cả các công trường nhà ga đều chìm trong bóng tối. Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ba La (Hà Đông) có 7 nhà ga, sau việc lao lắp dầm, làm nhà ga là hạng mục cuối cùng hoàn thành thi công trên tuyến.

Nhưng sau 21h ngày 25/3, 7 nhà ga này vắng bóng công nhân thi công. Tại một số nhà ga phương tiện phải chui qua lòng công trình, như ga ĐH Quốc gia (chợ Thượng Đình), Thanh Xuân 3 (chợ Phùng Khoang), bến xe Hà Đông (cũ)… việc cảnh báo ATGT chỉ là những bóng đèn nháy không thể phát sáng, phương tiện đi được là nhờ ánh đèn pha tự có.

Trao đổi với Tiền Phong, CSGT và Thanh tra giao thông Hà Nội đều xác nhận, từ Tết đến nay, công trường các nhà ga trên tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông không thấy thi công trở lại. “Trong khi người dân phải đối diện với cảnh ùn tắc, mất an toàn hàng ngày, còn công trường dự án quây rào để đấy rất phản cảm”, Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7 phàn nàn.

Xin ý kiến tổng thầu qua đường công văn

Với số lượng xà mũ đã đổ được 8/10 cái, hiện Liên danh Cty Tone Thăng Long - Hà An - đơn vị thi công nhà ga Vành đai 3 có lượng xà mũ trụ được đổ vào hàng nhiều nhất trên tuyến. Tại ga Vành đai 3 sáng 30/3, chỉ huy công trường cho hay, nhà thầu còn 2 xà mũ trụ chưa đổ.

Với ga Thanh Xuân 3 (chợ Phùng Khoang) cũng còn 4 trên tổng số 10 xà mũ trụ chưa đổ. Nguyên nhân từ Tết ra đến nay nhà thầu phụ là Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1, phải ngồi đợi Tổng thầu EPC “gật đầu”. Đây cũng là tình trạng chung tại hầu hết các ga trên toàn tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.

Theo khảo sát, hiện mỗi ga trên tuyến còn từ 2 đến 5 xà mũ trụ chưa được đổ và còn phải chờ phản hồi từ Tổng thầu EPC Trung Quốc. Với Cty Liên danh Cty Tone Thăng Long - Hà An, để không lãng phí lượng công nhân, kỹ sư hơn 100 người tại công trường, nhà thầu phải cho nghỉ phép hoặc chuyển sang công trường khác làm.

Lý giải vì sao lại có sự chậm trễ trên, chỉ huy công trường tại ga Thanh Xuân 3 (chợ Phùng Khoang) sáng 30/3 cho biết: Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1 chỉ là nhà thầu phụ của Tổng thầu EPC Trung Quốc, do vậy từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến thi công phải được sự đồng ý của phía Tổng thầu.

Tuy nhiên hiện nay tất cả quy trình này họ không trực tiếp duyệt ở Việt Nam, thay vào đó phải gửi bằng văn bản sang Trung Quốc. “Vướng mắc lớn nhất là các thiết kế, điều chỉnh thi công an toàn cần xin  ý kiến ngay để triển khai, nhưng thủ tục lòng vòng, đi qua đường công văn. Để một văn bản gửi đi, nhận về mất ít nhất 10 ngày hoặc nửa tháng”, vị chỉ huy này nói.

Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Cty CP Sông Đà 6 (Tổng Cty Xây dựng Sông Đà) - nhà thầu phụ ga ĐH Quốc gia cũng cho biết, chính những thủ tục lòng vòng như vậy khiến nhà thầu gặp khó khăn và từ Tết ra đến nay vẫn chưa tháo gỡ được.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến hầu hết các nhà thầu phụ trên tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông gặp khó khăn bị Tổng thầu EPC nợ tiền thực hiện dự án. Đơn cử, với gói đổ xà mũ trụ nhà ga, hiện Tổng thầu đang nợ Cty CP Sông Đà 6,25% tổng chi phí thi công; còn Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1 là 10%...

PGS.TS Phạm Văn Ký, giảng viên Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT cho rằng, về nguyên tắc thi công công trình giao thông cả Tổng thầu, Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư phải có mặt thường trực tại dự án. Việc giải quyết công việc thông qua con đường văn bản như tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông là điều hiếm xảy ra.

Như thế sẽ rất xa thực tế và không kiểm soát được tình hình. “Việc làm đường ray, đúc trụ, thậm chí là làm nhà ga… trình độ, công nghệ Việt Nam đủ khả năng để làm. Tuy nhiên do ràng buộc về vốn ODA của Trung Quốc nên nhà thầu chúng ta phải làm theo sự hướng dẫn của họ”, PGS.TS Phạm Văn Ký nói.

Đánh giá về năng lực tổng thầu EPC Trung Quốc, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT thừa nhận: Đội ngũ tư vấn thiết kế của tổng thầu không thường xuyên có mặt tại Việt Nam, không có đầu mối để trao đổi, thống nhất với các bên liên quan, dẫn đến thời gian hoàn thiện hồ sơ kéo dài.

Lãnh đạo Tổng thầu nhiều lần cam kết hoàn thành nhưng đều không thực hiện được, đến nay còn khoảng 42/45 danh mục hồ sơ chỉ dẫn kỹ thuật, 83/369 hồ sơ thiết kế, 75/124 hồ sơ dự toán chưa được Tổng thầu hoàn thiện. Việc chậm trễ trong công tác thiết kế, dự toán là nguyên nhân lớn dẫn đến tiến độ thi công của dự án bị chậm.

MỚI - NÓNG