Dự án di dân phố cổ, ì ạch đến khi nào?

Dự án thiếu đồng bộ nên trường mầm non bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Cương.
Dự án thiếu đồng bộ nên trường mầm non bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Cương.
TP - Được khởi động từ năm 1998, nhưng sau 19 năm, dự án di dân phố cổ - cuộc dịch chuyển dân cư lớn nhất Thủ đô vẫn nằm trên giấy do chưa chuẩn bị xong quỹ nhà. Theo kế hoạch, cuối năm 2017, có khoảng 1.500 hộ dân đầu tiên sẽ chuyển đến khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), tuy nhiên, việc phải điều chỉnh lại thiết kế - kiến trúc khiến dự án thêm một lần lỡ hẹn.

Trường mầm non bỏ hoang

Thực hiện kế hoạch di dân lớn nhất lịch sử Hà Nội, tháng 3/2015, UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành khởi công dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân gồm công trình nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng trên ô đất rộng 2.012m2, cao 3 tầng với quy mô 400 cháu.

Sau hơn hai năm thi công, khu trường mầm non nhà trẻ khang trang đã hoàn thiện sẵn sàng đón con em các hộ dân chuyển về từ phố cổ. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là các toà nhà chung cư lại chưa thành hình, khiến công trình trường mầm non nhà trẻ vừa xây dựng bị phủ bụi vì chưa có nhu cầu sử dụng.

Phục vụ kế hoạch di dời 1.530 hộ dân đợt 1, tháng 3/2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt cho quận Hoàn Kiếm triển khai dự án thi công 16 toà nhà chung cư trên lô đất rộng 11,1 ha tại vị trí đắc địa ở khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), đất đã được xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) sẵn sàng từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, trong lúc chủ đầu tư chuẩn bị triển khai thi công, dự án phải tạm dừng do yêu cầu xem xét điều chỉnh chiều cao và tăng thêm tầng hầm cho các toà nhà chung cư. Cụ thể, các toà nhà được điều chỉnh chiều cao từ 9 lên 13 tầng, tầng hầm được điều chỉnh thành 2, thay vì 1 như thiết kế ban đầu.

Giải thích về việc điều chỉnh thiết kế, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc điều chỉnh tăng chiều cao là yêu cầu thiết yếu để quận có thêm quỹ nhà phục vụ cho việc di dân. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tầng hầm cũng là yêu cầu bắt buộc , bởi thực tế đã có nhiều khu tái định cư rơi vào tình trạng quá tải sau 1-2 năm đưa vào sử dụng do không có hầm để xe…

Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi thực hiện các bước điều chỉnh, đến tháng 5/2017, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt thiết kế điều chỉnh. Hiện thành phố đã giao Sở Xây dựng tiến hành thẩm tra, thực hiện nhanh thủ tục cấp GPXD. Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, quận sẽ  trình thành phố phê duyệt dự án đầu tư.

Dự kiến, quý III/2017, hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đến quý IV/2017 tiến hành xây dựng 16 toà nhà chung cư để đầu năm 2019, các toà nhà chung cư sẽ hoàn thiện phục vụ kế hoạch di dân đợt đầu.

Nan giải di dân khỏi di tích

Không chỉ vướng mắc trong việc triển khai thi công nhà tái định cư, dự án di dân phố cổ còn phải đối mặt với nhiều bài toán khó khi vừa khởi động việc thống kê, lên phương án GPMB đợt 1, trong đó ưu tiên di dời các hộ gia đình nằm trong khuôn viên di tích, đình, chùa thuộc 10 phường khu vực phố cổ.

Theo số liệu thống kê, khu vực phố cổ hiện có 121 di tích, gồm: đình, đền, chùa, có yếu tố thờ cúng. Trong đó, hầu hết các di tích đều có trụ sở cơ quan và hộ gia đình sinh sống. Kết quả rà soát cho thấy, để hoàn thành kế hoạch GPMB các hộ dân ra khỏi di tích, UBND quận Hoàn Kiếm cần di dời trên 150 hộ gia đình, tương đương gần 500 nhân khẩu, với diện tích GPMB là 4.000m2.

Để di dời, cần chuẩn bị 153 căn nhà tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hiện có rất nhiều vướng mắc phát sinh, đặc biệt là đối với các hộ dân có nhà nằm trong khu di tích chưa được xếp hạng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định mốc giới, xác định diện tích các hộ gia đình trong khuôn viên.

Kết quả thống kê ý kiến người dân các phường cho thấy, đa số người dân nằm trong danh sách di dời ủng hộ chủ trương di dời khỏi di tích để cải thiện môi trường sống, đồng thời giúp giảm áp lực cho khu vực phố cổ.

Tuy nhiên, do các khu nhà tái định cư chưa thành hình, dẫn đến việc người dân chưa có đủ căn cứ (diện tích căn hộ tái định cư, vị trí, các ưu đãi, hỗ trợ khi GPMB) để lựa chọn phương án di dời. Một thành viên tổ công tác di dân phố cổ cho biết, khi chưa có quỹ nhà và chưa đưa ra tiêu chí hỗ trợ, sẽ rất khó để người dân tự nguyện đăng ký di dời do người dân cảm thấy không yên tâm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Oanh, sống tại phường Hàng Buồm cho biết: “Người dân chúng tôi ủng hộ chủ trương di dời khỏi khu vực phố cổ.

Tuy nhiên, muốn có nhà tái định cư người dân phải bỏ tiền ra mua, trong khi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế. Ngoài ra, nhiều gia đình chỉ có nghề kinh doanh nhỏ lẻ, nay chuyển khỏi phố cổ người dân cũng cần được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.

Muốn người dân đồng thuận và thực hiến đúng tiến độ, thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm xây dựng một cơ chế hỗ trợ minh bạch, rõ ràng, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa người dân - chính quyền để người dân yên tâm lựa chọn phương án di dời…

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.