Dự án thoát nước Hà Nội vướng mặt bằng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TP - Theo kế hoạch, dự án thoát nước giai đoạn II phải hoàn thành trong năm 2013. Được gia hạn đến hết năm 2015 tuy nhiên đến nay diện tích đất chưa bàn giao tại các quận vẫn còn. Nhiều quận, huyện còn đang loay hoay với các phương án giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã có buổi họp với các sở, ngành, quận, huyện về dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II để tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB. Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II được UBND TP. Hà Nội phê duyệt với mục tiêu chống ngập úng trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa; cải thiện môi trường thành phố, là cơ sở để phát triển hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều lần chậm trễ, dự án đã bị đội giá trên 2.000 tỷ đồng và vẫn… chậm. 

Nhiều người dân trong khu vực dự án tỏ ra bức xúc do nhiều năm phải sống chung với tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Điển hình là những cư dân tại khu tập thể phường Khương Thượng (Đống Đa), mỗi khi trời nắng nóng, mùi mương thối bốc lên nồng nặc. Còn những ngày qua, trận mưa dai dẳng kéo dài cả tuần khiến nước mương dềnh lên, đường lầy lội, bẩn thỉu.

Lãnh đạo các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân đều nêu khó khăn chung trong việc GPMB vẫn là vấn đề giá đền bù. Quận Ba Đình còn 58 hộ dân không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng; 66 hộ nhận tiền nhưng không bàn giao đất. Quận Thanh Xuân có 27 hộ, quận Hai Bà Trưng có 6 hộ. Trong khi đại diện huyện Thanh Trì cho rằng: “Sở Tài nguyên & Môi trường chậm trễ trong việc đưa giá đền bù nên không có cơ sở để công bố cho dân”. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho rằng, việc di chuyển dân mà Sở Xây dựng đang thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, như khu đô thị di dân Đồng Tàu liền kề với Thịnh Liệt nhưng dân ở Thịnh Liệt không được di dời sang Đồng Tàu, trong khi dân giải tỏa quận Đống Đa lại được chuyển về đây gây bức xúc. Tại quận Tây Hồ có 69 ki ốt đang kinh doanh tại chợ Bưởi, chính quyền đang loay hoay tìm phương án giải quyết, đền bù cho tiểu thương. 

Ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB của thành phố cho rằng, so với khi ban hành, các chính sách về GPMB đã có thay đổi. Các quận, huyện cần tự rà soát từng đối tượng tại địa phương, nếu thấy chính sách cũ có lợi cho dân hơn thì áp dụng, nếu cái mới hơn thì theo cái mới. Đối với các hộ 69 ki-ốt đang kinh doanh tại chợ Bưởi, ông Thiều đề xuất hỗ trợ cho các hộ lợi nhuận 3 tháng sau thuế (đối với hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh). Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các quận, huyện cần gấp rút hoàn thành công tác GPMB trong tháng 3/2015 để đảm bảo tiến độ, GPMB đến đâu, thi công đến đó. Đối với các tranh chấp dân sự thì tòa án sẽ giải quyết, GPMB vẫn phải theo tiến độ, nếu không đồng thuận có thể xây dựng hồ sơ cưỡng chế.

MỚI - NÓNG