Du lịch Hà Nội: Quyết giữ ngôi vị số 1 'an lành, thân thiện'

Hàng quán tràn ra chiếm vỉa hè khiến du khách phải đi bộ dưới lòng đường. Ảnh chụp ngày 27/7 trên phố Hàng Đào. Ảnh: Hà Thanh
Hàng quán tràn ra chiếm vỉa hè khiến du khách phải đi bộ dưới lòng đường. Ảnh chụp ngày 27/7 trên phố Hàng Đào. Ảnh: Hà Thanh
TP - Còn có quá nhiều điểm yếu của du lịch Hà Nội khiến du khách không trở lại. Hà Nội đã đặt quyết tâm chuyển từ thế bị động sang chủ động và hành động tất cả vì du khách.

Peter Deforche, nhà thiết kế ở Bruxelles (Bỉ) cùng 2 người bạn quyết định chọn Hà Nội là điểm đầu tiên trong kỳ nghỉ 3 tuần tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, Peter thấy có ít điểm đến và “đặc sản” hấp dẫn. Vì thế, anh chỉ ở lại Hà Nội 2 ngày để “nghỉ ngơi” sau chặng bay dài. Buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội, ngày 20/7 mới đây, Peter và các bạn thưởng thức cà phê tại phố Phủ Doãn nhưng liên tục bị người bán hàng rong chèo kéo, mời mua từ bấm móng tay đến gói tăm. 

Chưa hết, các hộ dân xung quanh nhóm bếp than, vài người hóa vàng khiến khói bụi bủa vây cả con phố. “Chúng tôi sợ nhất khi đi bộ, xe máy đỗ đặc kín vỉa hè, chúng tôi buộc phải đi xuống lòng đường. Mỗi lần như vậy tôi chỉ sợ taxi, xe máy và các loại xe khác tông vào, tiếng còi xe khắp nơi. Hà Nội cần phải thay đổi, cải thiện rất nhiều để thu hút cũng như khiến khách du lịch muốn đến và ở lại. Với tôi, giờ Hà Nội không thật hấp dẫn, nó giống như một trạm trung chuyển”, Peter nói.

Với anh Vitaly Chetverikov, du khách đến từ Nga, có nhiều điều để “phàn nàn” về Hà Nội. “Nhiều hàng quán rất bẩn, xả rác tùy tiện ở hầu hết các con phố. Mọi người khá hồn nhiên khi mang bếp núc ra nấu ở ngoài đường. Các phương tiện thi nhau bóp còi, xe cộ không theo tín hiệu đèn giao thông, cứ leo lên vỉa hè đi rồi lạng lách chen nhau. Nỗi sợ tiếp theo của tôi là chất lượng thực phẩm, ăn gì cũng sợ”, anh Chetverikov nói. David, một du khách người Anh lần đầu đến Hà Nội cũng phải thốt lên: “Giao thông thật kinh khủng. Hàng quán nhiều nơi đua nhau chiếm vỉa hè!”.

Hành động vì du khách

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, trên hầu hết các tuyến phố như Lý Quốc Sư, Hàng Mành, Hàng Nón, Hàng Bồ, Hàng Chiếu… khách nước ngoài phải đi dưới lòng đường vì vỉa hè được sử dụng để trông giữ xe máy, bàn ghế, hàng quán bày la liệt. Trên phố Hàng Buồm, một nam thanh niên cầm trên tay rổ hàng bật lửa tiếp cận với 3 du khách nước ngoài. Vừa nói chuyện, nam thanh niên vừa bật lửa, dứ dứ với mấy vị khách. 

Trao đổi một hồi, mấy người khách nước ngoài tỏ ý không muốn mua nhưng nam thanh niên tiếp tục đi theo. Được vài bước, một nữ du khách phải móc ví mua bật lửa. Không chỉ thái độ phục vụ, các sản phẩm du lịch của Hà Nội cũng chưa thực sự có dấu ấn và đặc biệt đến mức khiến du khách phải chi tiền. Trên các tuyến phố bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài, các mặt hàng vẫn chủ yếu là mặt nạ, sản phẩm mây tre đan, rối nước, thổ cẩm, một số sản phẩm nhỏ nhặt khác.

“Hà Nội vẫn được đánh giá đứng thứ 8 trong các điểm đến nổi tiếng toàn thế giới, ẩm thực cũng đứng số 1, thân thiện, an lành cũng số 1. Họ đánh giá rất khách quan. Những đánh giá như thế thì nên tin tưởng, còn những thông tin khác thì chúng tôi cũng sẽ tiếp thu, xem hiện tượng đó còn không và để không xảy ra như thế nữa. Quan điểm của chúng tôi là hành động tất cả vì du khách đến với Thủ đô Hà Nội”.  

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thừa nhận du lịch Hà Nội còn một số điểm yếu. Dù 6 tháng đầu năm du lịch có sự tăng trưởng tốt nhưng Hà Nội vẫn bị đánh giá chỉ là “trạm trung chuyển”. “Vì thấy được điểm yếu đó, du lịch Hà Nội đang phải xây dựng để giữ chân được du khách”, ông Hồng nói. Ông Hồng cho biết, đến bây giờ, Hà Nội có rất nhiều sản phẩm du lịch của làng nghề, nhưng để đậm dấu ấn Hà Nội vẫn chỉ có mấy hình ảnh của Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Hồ Gươm gắn với Tháp Rùa…và do các đơn vị làm du lịch tự sản xuất. Vì điều này, khách du lịch, đặc 

biệt là khách nước ngoài chưa “móc hầu bao” nhiều. 

Theo ông Hồng, Hà Nội là đơn vị “mẫu mực” trên cả nước khi đã tổ chức được đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. “Tình trạng chèo kéo đã giảm. Chúng tôi chưa dám nói là hết, nhưng hiện chúng tôi đã chuyển từ thế bị động sang chủ động, tức là tìm những người chèo kéo và ngăn cản ngay từ đầu, không để quấy nhiễu du khách”, ông Hồng thông tin. Về tình trạng phố phường nhếch nhác, hình ảnh phản cảm gây mất thiện cảm của du khách, khiến họ không quay trở lại, ông Hồng cho rằng, cái quan trọng nhất là phải tạo dựng các sản phẩm, việc làm cụ thể, bạn bè sẽ đánh giá khác đi. 

MỚI - NÓNG