Hà Nội: Bể bơi ngộp thở, quán ăn vắng vì nắng nóng

Bể bơi Tăng Bạt Hổ, Hà Nội (lúc 16h ngày 27/5). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bể bơi Tăng Bạt Hổ, Hà Nội (lúc 16h ngày 27/5). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nắng nóng, các gánh hàng rong không siêng đi như mọi ngày, các cô, các chị lấy khăn ướt quấn lên đầu sau đó mới đội nón để giảm nhiệt. Gầm cầu vượt vành đai 3 là nơi tránh nắng lý tưởng vào buổi trưa. Một chiếc bạt căng là chỗ ngả lưng của nhiều người lao động.

Người dân hạn chế ra đường, ảnh hưởng lớn đến các hàng ăn. Chị Hà, chủ quán phở có tiếng trên phố Hai Bà Trưng, than thở: “Cả tuần nay khách hàng ăn phở giảm một nửa, hầu như sau 9 giờ sáng là khách vãn lắm rồi”.

Thê thảm hơn là các hàng cơm bình dân, mở vào buổi trưa nên lượng khách giảm rõ rệt. Nhiều hiệu ăn lắp thêm hệ thống quạt mát, phun sương để giảm nhiệt cho khách hàng, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Anh Thành, chủ quán cơm trên phố Trần Thái Tông, cho biết, thông thường gần 12 giờ là nhân viên từ các toà nhà xung quanh sẽ xuống ăn, nhưng gần đây do nắng nóng, mọi người cũng ngại đi hơn.

Một nhân viên làm việc tại toà nhà CMC trên phố Duy Tân gần đó cho biết, nhiều người mang cơm từ nhà đi ăn cho mát mẻ, hoặc gọi các quán cơm quanh khu vực mang lên tận công ty.

Có mặt tại bể bơi Sao Mai lúc 5 giờ chiều, bãi gửi xe máy đã lên đến con số hàng trăm chiếc. Đây là một trong những địa điểm ưa thích của giới trẻ bởi địa điểm đẹp, nằm sát hồ Tây, giá vé ở mức chấp nhận được (80 ngàn đồng/người lớn). Bể bơi có vòi tắm tráng nhưng hầu hết người bơi đều bỏ qua khâu tắm tráng để mau chóng xuống ngâm mình dưới làn nước.

Vào giờ cao điểm, bể bơi Sao Mai khu vực trẻ em và khu nước nông không còn chỗ bơi, người bơi chỉ có thể lội nước. Các bể bơi cao cấp hoặc bể bơi nằm trong khách sạn dịp này đều trong tình trạng đông đúc. Anh Tô Mạnh Linh, bơi ở khách sạn Thắng Lợi, cho biết, bể bơi nhỏ có chiều dài chỉ 25m, nhưng có lúc giờ cao điểm tiếp đến gần 100 khách, không còn chỗ mà bơi. Đang là dịp nghỉ hè của học sinh, các lớp học bơi cho trẻ liên tục mở ra là một nguyên nhân khiến các bể bơi tiếp tục đông. Một nhân viên tại hệ thống bể bơi Olympia cho biết, năm nay, các bé đến học bơi đông hơn hẳn mọi năm.

Đó là tại các bể bơi có giá vé vào cửa 80 - 150 ngàn đồng. Còn các bể bơi giá rẻ như bể bơi Thái Hà, bể bơi Đại học Thủy Lợi, bể bơi Thanh Thiếu nhi… (trên dưới 40 ngàn đồng) luôn xuất hiện tình trạng quá tải, nước không đảm bảo vệ  sinh. Giờ cao điểm, bể Thái Hà  có tới 3-4 người/m2 bể bơi. Đỗ Lan Phương, sinh viên Trường Đại học Công đoàn, cho biết, tình trạng không tắm tráng, phóng uế dưới bể bơi đang phổ biến. “Ý thức người đi bơi rất tệ, nhiều bà mẹ đưa con đi cùng còn bảo con vệ sinh ngay tại bể bơi cho tiện”, Phương bức xúc.

Bên cạnh bể bơi, người dân Hà Nội còn tận dụng sông, hồ để tránh nóng. Các “bể bơi” này được người dân quanh khu vực, những người lớn tuổi yêu thích bởi không gian rộng, thoải mái. Ngoài Hồ Tây là điểm đến lâu năm thì mới đây, hồ Linh Đàm sau khi được kè lại cũng thu hút nhiều người tới. Khá đông trẻ em được người lớn đưa đến đây học bơi. Theo nhiều người, bơi ở hồ rất thoải mái, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do không có cứu hộ, đáy hồ nhiều bùn, có chỗ lún, dễ giẫm phải dị vật…

* Đợt nắng nóng gay gắt đầu mùa hè khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại các bệnh viện có dấu hiệu gia tăng. Các bác sĩ cảnh báo, lượng bệnh nhân sẽ tăng cao hơn nhiều nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài vài ngày qua nhưng số lượng bệnh nhi đến khám chưa tăng cao, khoảng 2.500 trẻ một ngày. Bệnh tập trung chủ yếu là viêm đường hô hấp, sốt virus.

TS Điển cho hay, theo đúng quy luật diễn biến thường phải nắng nóng 4 hay 5 ngày thì mới bắt đầu có đông bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ dự đoán nếu nắng nóng vẫn tiếp tục, những ngày tới lượng bệnh nhi đổ về sẽ rất đông. Nguyên nhân là do bệnh tật không đến ngay, nó phải đủ thời gian mới gây suy giảm sức đề kháng của trẻ rồi dẫn tới đổ bệnh. Nóng quá cũng dễ khiến trẻ mệt vì khả năng điều hòa nhiệt kém.

Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) mỗi ngày tiếp nhận gần 300 bệnh nhân. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, khoảng 70-80% bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản... PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, bệnh nhân chưa tăng nhiều nhưng tình trạng bệnh nặng hơn do chênh lệch nhiệt độ môi trường và phòng có điều hòa lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi. Việc cha mẹ tự ý mua thuốc cho con uống cũng khiến bệnh trẻ có xu hướng nặng thêm rồi mới đưa đến bệnh viện gây khó khăn trong điều trị.

Trẻ ở trong điều hòa quá nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho virus hợp bào hô hấp thường trực ở mũi họng phát bệnh như viêm họng, cảm cúm. Trời nóng cũng khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo sốt. Nhiều trẻ bị sốt do nhiễm trùng hoặc hệ thống điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa ổn định nên khi bên ngoài trời nắng nóng quá cũng khiến trẻ tăng thân nhiệt.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho hay, thời tiết nắng nóng, oi bức, trẻ dễ bị muỗi, côn trùng đốt dẫn tới mẩn đỏ, ngứa ngáy, trẻ gãi nhiều gây trầy xước nếu không được vệ sinh sạch sẽ dẫn tới viêm da. Giai đoạn đầu hè cũng là môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển. Trong khi đó sức đề kháng của trẻ nhỏ rất yếu. Chính vì thế khả năng nhiễm bệnh sẽ tăng cao.

Tại Bệnh viện Lão Khoa T.Ư, bác sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Khám bệnh cho biết, số bệnh nhân đến khám tăng khoảng 10% so với ngày thường. Đáng chú ý, bệnh nhân tăng huyết áp chiếm phần lớn.

Bác sĩ Long dự báo, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị sẽ tăng do tác động của thời tiết nắng nóng cũng cần có thời gian nhất định chứ không chỉ một hai ngày. Nhiệt độ môi trường tăng cao dễ dẫn tới các bệnh tăng huyết áp, tim mạch ở người cao tuổi. Thời tiết tác động làm huyết áp không ổn định, khiến bệnh mạch vành, bệnh nhân sau can thiệp, bị van tim, suy tim phải đến bệnh viện. Bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường... cũng gia tăng.

Ở người cao tuổi, cơ thể điều hòa thân nhiệt kém nên chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiệt độ bên ngoài. Nắng nóng cũng khiến một số bệnh mãn tính trở nên cấp tính và nguy hiểm đối với sức khỏe người cao tuổi. Vì thế người nhà cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi.

Tiêu thụ điện tăng vọt

Tổng Cty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) ngày 27/5 cho biết, nắng nóng dẫn đến phụ tải sử dụng điện tăng vọt. Trong các ngày tới, do nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng cao nên EVN HANOI sẽ hoãn toàn bộ các lịch cắt điện cao, trung, hạ thế đến hết ngày 29/5, trừ các trường hợp đột xuất, bất thường trên lưới điện, các hạng mục bắt buộc phải cắt điện xử lý để thi công công trình cấp bách phục vụ chống quá tải hè 2015. EVN HANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, tắt bớt thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng thiết bị điện cùng lúc vào giờ cao điểm.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, báo cáo giám sát năm 2014 cho thấy, chỉ 1/3 số bể bơi đạt tất cả 13 chỉ tiêu về mẫu nước. Đáng lưu ý, 100% các bể bơi không thực hiện việc xét nghiệm, lưu mẫu nước hằng ngày. Việc bể bơi quá tải khiến vấn đề đảm bảo vệ sinh trong bể bơi, chất lượng nước bị ảnh hưởng, nguy cơ mất vệ sinh rất lớn do lượng người đến bể bơi thuộc đủ đối tượng khác nhau, có thể mang theo rất nhiều mầm bệnh…

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".