Hà Nội đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Chỉ số CCHC của Hà Nội thuộc tốp dẫn đầu.
Chỉ số CCHC của Hà Nội thuộc tốp dẫn đầu.
TP - Năm 2014, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội lọt vào “tốp” đầu cả nước, với việc đứng thứ 3/63 tỉnh, thành. Phát huy kết quả trên, Hà Nội tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Không thể phát triển nếu không cải cách

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 được Bộ Nội vụ công bố mới đây, Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh thành. Với những nỗ lực, quyết tâm của toàn thành phố, chỉ số CCHC của Hà Nội tăng mạnh mẽ qua 3 năm liên tiếp, như năm 2012 đạt 82,77 điểm; năm 2013 đạt 85,43 điểm; đến năm 2014 đạt 91,21 điểm (thang điểm 100). Trong 8 lĩnh vực tương ứng 8 chỉ số thành phần, so với chỉ số CCHC năm 2013, năm 2014 có 7/8 chỉ số thành phần tăng.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, kết quả trên thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác CCHC của thành phố. Các lĩnh vực chỉ đạo điều hành CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, hiện đại hóa hành chính có sự cải thiện mạnh mẽ. Người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã  đánh giá cao hơn về chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm đối với công việc và việc không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân của công chức.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: Không CCHC thì không thể nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Không nâng cao được chất lượng phục vụ thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố xác định CCHC là nhu cầu nội tại bắt buộc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị phải làm, chứ không phải vì xếp hạng. Ông Sơn cũng cho rằng, Hà Nội vươn lên vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố là kết quả rất đáng ghi nhận, sự hài lòng của người dân chính là thước đo. Tuy nhiên, để nâng cao sự hài lòng của người dân, Sở Tư pháp phải rà soát lại các văn bản, quy định, loại bỏ văn bản chưa phù hợp. Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, xây dựng phần mềm dữ liệu dùng chung và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tăng cường giao tiếp, làm việc với cơ quan Nhà nước thông qua môi trường điện tử.

Nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân

Để đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, năm 2014 Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã điều tra xã hội học đối với 6 dịch vụ hành chính công, bao gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực. Với cấp thành phố, Viện nghiên cứu khảo sát ở 3 sở ngành gồm: Sở TN&MT, Tư pháp, Công an thành phố. Đoàn khảo sát thực hiện ở tất cả các cấp quận, huyện, thị xã, trong đó mỗi địa bàn thực hiện 2 xã phường. Đối tượng khảo sát là người dân và đại diện các tổ chức tham gia giao dịch 6 loại thủ tục hành chính trên.

Kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thành phố vừa được viện này công bố cho thấy, cấp chứng minh nhân dân là dịch vụ hành chính công được người dân đánh giá tích cực nhất, tỷ lệ hài lòng đạt 91,33%. Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có tỷ lệ hài lòng thấp nhất, khi tỷ lệ hài lòng chỉ: đạt 55,47%, rất hài lòng 15,69%, bình thường 27,13%, không hài lòng là 1,22%, rất không hài lòng là 0,49%. “Tuy Sở TN&MT đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ nhưng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đang là dịch vụ mà người dân còn bức xúc, nhiều khiếu nại”, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đánh giá.

Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn chỉ đạo tiếp tục đánh giá hàng loạt dịch vụ công ở 5 quận huyện của gồm Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín. Thành phố yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện khảo sát; báo cáo tiến độ và những vướng mắc trong quá trình triển khai với UBND thành phố; báo cáo kết quả khảo sát trước 20/12/2015.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công phải đảm bảo tính khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch. Kết quả khảo sát phải phản ánh đúng thực tế hoạt động và những hạn chế của chất lượng cung ứng dịch vụ công. Từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém kể trên.

MỚI - NÓNG