Hà Nội: Rau xanh tăng giá "chóng mặt" vì… giao mùa

Rau xanh các loại tại Hà Nội giá vẫn rất cao
Rau xanh các loại tại Hà Nội giá vẫn rất cao
Mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng giá các loại rau xanh tại một số chợ Hà Nội đang tăng "chóng mặt". Nhiều bà nội trợ kêu than, vì rau xanh lại đội giá, nếu không đi chợ sớm thì không những được mua rau ế mà giá lại còn đắt đỏ.

Theo phản ánh của nhiều người nội trợ, mức giá các loại rau xanh hiện nay đã tăng từ 20% so với cùng kỳ năm trước. Cầm tiền đi chợ mua rau vẫn xót hơn mua thịt.

Tại chợ Dich Vọng, chợ đầu mối cung ứng nhiều loại rau xanh ở Hà Nội, giá rau xanh các loại tăng hơn từ 10 - 20% so với bình thường. Các loại rau vụ đông như bí xanh, cải bắp, su hào vẫn giữ mức giá từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá cận kề với mức giá rau xanh thời điểm sau Tết Nguyên đán 2016. Các mặt hàng rau xà lách, rau dền cũng có giá từ 15.000 đồng/kg.

Bà Phương Thị Bích Liên (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: "Sáng ra không đi chợ sớm sẽ khó chọn rau xanh, sạch. Chợ chiều rau vừa đắt vừa úa, dập nát. Giá rau xanh dù thời tiết thuận nhưng vẫn khá đắt, thời điểm này năm ngoái cầm 100.000 đồng ra chợ thoải mái chọn rau, nhưng hiện nay phải cân đong, đo đếm lắm mới chọn được rau vừa ngon mà giá lại phải chăng".

Theo nhiều chủ cửa hàng bán rau, dịp tháng 2 âm lịch (tháng 4 dương lịch) là thời kỳ vụ đông kết thúc và bắt đầu bước vào vụ xuân hè. Các loại rau vụ đông như cải bắp, cải xanh, cải trắng, su hào, súp lơ hay cà rốt... đều đã hết vụ và phụ thuộc vào lượng rau từ Sa pa đưa về. Các vùng rau tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Tây mới bắt đầu vào vụ.

Hiện thị trường chủ yếu cung ứng các loại rau ngắn ngày như: cần ta 5.000 đồng/kg, rau muống nước 3.000 - 5.000 đồng/mớ, cải xoong 10.000 đồng/kg... Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, các loại rau này hiện bán rất chậm do người dân có tâm lý sợ các loại rau trồng dưới mương, máng và ao có chứa nước thải độc hại.

Tại các siêu thị, giá rau xanh cũng ở mức cao, trong đó nhiều loại bí xanh, bí đỏ, bầu có giá khá cao từ 25 - 30.000 đồng/kg. Các loại rau của các công ty, chủ vườn rau sạch tại các địa phương cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn có mức giá riêng, thông thường đắt hơn giá rau ngoài thị trường 25%.

Khảo sát tại các chợ nhỏ hơn như Cổ Nhuế (Q. Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Ngọc Hà (Ba Đình)…, rau xanh vẫn giữ giá, nhiều mặt hàng khá khan hiếm như khoai tây, bí xanh, cà chua. Là chợ lớn nhưng các loại rau xanh được bày bán ở đây khá ít. Theo các tiểu thương, đầu mối nhập vào chủ yếu là các thương lái từ Đông Anh, Mê Linh hoặc Vĩnh Phúc xuống hoặc các vùng trồng rau từ Hưng Yên lên nhưng hiện các vựa rau này đang vào vụ mới nên khan hàng để bán, khiến giá rau ở đây tăng cao.

Rau bí xanh có giá bán 18.000 đồng/kg, bí đỏ 28.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, các loại rau muống có giá từ 4.000 đồng - 7.000 đồng/mớ, rau cảnh xanh, bắp cải, cải thảo có giá từ 27 - 35.000 đồng/kg, vẫn giữ mức giá như 1 tháng trước đây.

Theo thông tin của Tổng cục Thống kê đưa ra, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước trong năm 2015. Mức giá chi sinh hoạt của người dân Hà Nội hiện xếp trên mức giá chi cho sinh hoạt và tiêu dùng của người dân TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, cho dù mức thu nhập trung bình của người dân TPHCM cao hơn so với người dân Hà Nội.

Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội 3 tháng đầu năm 2016 tăng 1,66%, trong tháng 3/2016 tăng 0,71%. Có 6/11 nhóm mặt hàng có CPI tăng giá, trong đó mạnh nhất là dịch vụ y tế, giáo dục; giá các mặt hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng chậm, nhiều nhóm hàng có xu hướng giảm (ăn uống ngoài gia đình).

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG