Hôm nay, khai mạc kỳ họp lần thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội:

Không đồng tình điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng cao ốc

TP - Hơn 140 kiến nghị của cử tri các quận, huyện đã gửi đến kỳ họp lần thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ những vấn đề dân sinh bức xúc cần xem xét, giải quyết. Trong đó cử tri quan tâm vấn đề quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị.

Điều chỉnh độ cao, nâng tầng chung cư

Trong kiến nghị, cử tri quận Hoàng Mai không đồng tình với việc thời gian qua thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ và nâng tầng các nhà chung cư, các toà cao ốc dẫn tới ảnh hưởng tới mật độ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dân sinh đi kèm không đáp ứng. Cử tri quận này đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần xin ý kiến dân cư trước khi chấp thuận thay đổi quy hoạch.

Cử tri quận Ba Đình đề nghị UBND thành phố xem xét  việc xây dựng dự án khu chung cư cao tầng 220 Đội Cấn (trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ) vì mâu thuẫn với những văn bản pháp lý. Cử tri đề nghị HĐND thành phố được xây trường THCS Liễu Giai tại địa điểm này.

Không đồng tình điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng cao ốc ảnh 1

Tòa nhà hỗn hợp do Công ty Thăng Long làm chủ đầu tư từ 17 tầng được nâng lên 31 tầng.

Trước những vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng xảy ra đối với nhiều công trình xây dựng “khủng” gần đây, cử tri quận Cầu Giấy trực tiếp đề nghị thành phố trả lời cho nhân dân được biết có hay không việc vi phạm trật tự xây dựng của Dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp tại Tổ 50 phường Yên Hòa do Công ty Thăng Long làm chủ đầu tư từ 17 tầng được nâng lên 31 tầng (hiện tại tòa nhà đã xây 31 tầng). Cử tri quận Tây Hồ đề nghị UBND thành phố làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến việc công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình), cũng như trách nhiệm liên quan đến việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà và xử lý nghiêm theo quy định.

Cùng vấn đề xây dựng, cử tri quận Hoàng Mai phản ánh các tòa nhà tái định cư như CT1A, CT1B, NƠ14A, NƠ14B… khu đô thị Định Công và nhà G, nhà H khu đô thị Đền Lừ đã sử dụng hơn 10 năm hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, thang máy không hoạt động, nước sạch không đáp ứng yêu cầu, gây nhiều khó khăn cho các hộ dân trong chung cư. Tuy đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được xử lý triệt để. Cử tri đề nghị thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án khu đô thị Định Công - Đại Kim và một số khu đô thị khác sớm bàn giao về thành phố quản lý; đề nghị kiên quyết xử lý và thu hồi các ô quy hoạch được duyệt hiện vẫn đang để hoang hóa.

Thu hồi dự án đắp chiếu

Cử tri quận Bắc Từ Liêm đề nghị thu hồi đất những dự án chậm tiến độ trên địa bàn để giao cho địa phương quản lý, xây dựng thiết chế công phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Cụ thể như dự án “Tổ hợp công trình khách sạn, thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê” do Công ty CP An Lộc làm chủ đầu tư tại phường Xuân Tảo; Dự án ICC triển khai trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1.

Cùng vấn đề trên cử tri quận Nam Từ Liêm phản ánh có nhiều dự án chậm triển khai trong thời gian kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân. Cử tri kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế, thu hồi các dự án không triển khai hoặc dự án của các chủ đầu tư không có năng lực thực hiện. Cử tri đề nghị nghiên cứu cơ chế cho phép sử dụng diện tích của các dự án hiện không triển khai để kinh doanh, làm dịch vụ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Cử tri quận Đống Đa cũng đề nghị thu hồi khu đất 10ha của Công ty Vật tư nông nghiệp phát triển nông thôn để chuyển đổi mục đích giao cho quận quản lý.

Theo tờ trình HĐND thành phố Hà Nội về “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020”, một trong những giải pháp quy hoạch xây dựng, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế mật độ dân cư nội đô.

Từ ngày 1/12 đến ngày 5/12, kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện dự toán ngân sách năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2016 của thành phố Hà Nội; thảo luận và quyết định một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.