Giàn thép đỗ xe cao tầng Trần Nhật Duật:

Mở đường cho giao thông tĩnh Thủ đô

Với quy mô 4 tầng điểm đỗ xe giàn thép Trần Nhật Duật sẽ thay thế nhiều điểm đỗ xe lòng đường khu vực Hoàn Kiếm. Ảnh: Trọng Đảng
Với quy mô 4 tầng điểm đỗ xe giàn thép Trần Nhật Duật sẽ thay thế nhiều điểm đỗ xe lòng đường khu vực Hoàn Kiếm. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Sau nhiều trì hoãn do thiếu cơ chế, cuối cùng với nỗ lực của đơn vị thực hiện, điểm đỗ xe giàn thép cao tầng Trần Nhật Duật được hoàn thành vào đúng dịp nhân dân Thủ đô đang có nhiều hoạt động chào mừng 40 năm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước. Cùng với giải quyết nhu cầu đỗ xe tại khu vực Hoàn Kiếm, điểm đỗ xe hoàn thành còn khai thông bế tắc cho việc đầu tư giao thông tĩnh tại Thủ đô.

Công suất gấp 4 lần đỗ xe mặt đất

Với mục tiêu thay thế nhiều điểm đỗ xe dưới lòng đường tại khu vực Hoàn Kiếm, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao văn minh đô thị, sau 6 tháng xây dựng, ngày 24/4 điểm đỗ xe giàn thép cao tầng Trần Nhật Duật được hoàn thành. Với thiết kế 4 tầng, điểm đỗ xe Trần Nhật Duật xây dựng theo mô hình giàn thép lắp ghép trên tổng diện tích 412 m2 của điểm đỗ xe mặt đất Trần Nhật Duật. Sau khi đưa vào sử dụng, điểm đỗ xe có sức chứa 91 ô tô (xe dưới 7 chỗ), gấp 4 lần điểm đỗ xe mặt đất trước đó.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Cty Khai thác điểm đỗ xe - Tổng Cty Vận tải Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, điểm đỗ xe được xây dựng, vận hành theo công nghệ Nhật Bản. Cụ thể, ga-ra (garage) hoạt động bằng việc sử dụng các tấm pallet và thang nâng để di chuyển ô tô lên xuống. Thang nâng ở đây thuộc loại xích tải có thể nâng hạ dịch chuyển ngang. Hệ thống nâng hạ xe vận hành thông qua màn hình cảm ứng đặt ở hộp điều khiển mỗi block. Khi khách vào gửi xe, ô còn trống sẽ hiển thị trên màn hình cảm ứng, nhân viên vận hành căn cứ vào đó nhấn nút lập tức tấm pallet còn trống hạ xuống. Tương tự, khi lấy xe nhân viên vận hành sẽ ấn nút tương ứng với số ô mà khách đã nhận khi gửi xe, tấm pallet sẽ hạ xuống đưa xe vào vị trí trống. Tất cả các thao tác chỉ diễn ra trong thời gian 2 phút/xe.

Ngoài ra hệ thống cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người vận hành cũng như phương tiện. Cụ thể, do hệ thống pallet và thang nâng được trang bị camera và cảm ứng thông minh nên quá trình cất - lấy xe ra, nếu hệ thống soi chiếu, cảm ứng dạng thân nhiệt phát hiện có hơi ấm của người hoặc vật thể sống trong, ngoài xe, lập tức phát cảnh báo, ngừng hoạt động. Với trường hợp mất điện đột ngột, trước khi phát cảnh báo, hệ thống có nguồn điện dự trữ đủ để vận hành cho lượt xe đang nâng hạ diễn ra an toàn.

Mở đường cho giao thông tĩnh Thủ đô ảnh 1

Việc cất, lấy xe ra hoàn toàn bằng công nghệ “ấn nút” tự động. Ảnh: Trọng Đảng

Khai thông bế tắc


Do thiếu quỹ đất nên việc xây dựng 35 bãi đỗ xe tĩnh trong khu vực nội thành theo Quy hoạch 165 không thực hiện được, từ đầu năm 2010, thành phố Hà Nội đã “chuyển hướng” giao cho Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, lập thiết kế xây dựng các điểm đỗ xe giàn thép cao tầng. Có 4 điểm đỗ được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chấp thuận để Cty xây dựng thí điểm là Trần Nhật Duật, Phùng Hưng (Hoàn Kiếm), Nguyễn Công Hoan (Ba Đình), bờ sông Tô Lịch (Hoàng Mai). Theo ông Thảo, ưu điểm của bãi đỗ xe lắp ghép là xây cao tầng, không chiếm nhiều diện tích mặt bằng, công nghệ thi công - vận hành nhanh, góp phần hiệu quả trong việc giảm ùn tắc, nâng cao văn minh đô thị. 

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu và tìm được công nghệ xây dựng phù hợp với điều kiện Việt Nam, Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội lại gặp phải khó khăn là cơ chế vốn không có. Theo ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Cty Khai thác Điểm đỗ xe Hà Nội, chỉ tính riêng dự án điểm đỗ xe Trần Nhật Duật, nếu xây theo quy hoạch 4 tầng trên tổng diện tích 412m2 đã có, sức chứa gần 100 ô tô sẽ có tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Với cả 4 điểm đỗ xe cần trên 200 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn của ngân sách thành phố dành cho công trình công ích; với doanh nghiệp (DN) bên ngoài càng không thể trông chờ khi việc thu hồi vốn chỉ thông qua thu 30.000 đến 50.000 đồng/lượt xe vào gửi. Riêng số vốn đầu tư cho điểm đỗ xe Trần Nhật Duật, nếu DN bỏ tiền ra đầu tư và thu phí hoàn vốn thì mất ít nhất 30 đến 40 năm. “Đây là nguyên nhân chính khiến 4 dự án thí điểm giàn thép đỗ xe cao tầng thành phố đã có chủ trương xây dựng gần 5 năm vẫn chưa tìm được hướng đi”, ông Thắng nói.

Trước những bế tắc trên, Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã chủ động trình thành phố Hà Nội cơ chế vốn để xây dựng điểm đỗ xe Trần Nhật Duật và điểm đỗ xe Nguyễn Công Hoan làm thí điểm đầu tiên. Tổng số vốn để làm hai dự án này là 120 tỷ đồng. Do chưa có DN nào đầu tư nên Cty tự đứng ra xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, khi ngân sách thành phố chưa bố trí được vốn Cty sẽ đứng ra huy động bằng cách ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo hình thức ưu tiên. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất, phí bảo lãnh bằng tài sản dự án...

Ông Thắng cho biết, sau khi đề xuất trên được thành phố đã chấp thuận, từ cuối năm 2014, Cty đã nhanh chóng triển khai cả hai dự án điểm đỗ xe Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan. Với Trần Nhật Duật đã hoàn thành chỉ trong 6 tháng xây dựng, còn Nguyễn Công Hoan cũng được hoàn thành trong quý III/2015. Theo ông Thắng, với cơ chế này thì thời gian hoàn vốn suất đầu tư của hai dự án chỉ còn 12 đến 15 năm, đây là điều mà DN đầu tư bên ngoài có thể chấp nhận được. Với các sở ngành thành phố, thì đây  là cơ chế để nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn thành phố, góp phần giảm ùn tắc, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe tĩnh đang thiếu hiện nay. 

Giàn thép đỗ xe cao tầng Trần Nhật Duật được khởi công 10/2014 và hoàn thành 24/4/2015 với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng theo công nghệ Nhật Bản. Với chiều cao 4 tầng, rộng 412m2 điểm đỗ có sức chứa 91 xe. Ngoài ra, điểm đỗ có các hạng mục phụ trợ như: Nhà điều hành, hệ thống PCCC, hệ thống sân đường nội bộ… Mức phí trông giữ ô tô được Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội áp dụng theo mức quy định chung của thành phố là 30.000 đồng/lượt và 2,5 triệu đồng/ tháng.

MỚI - NÓNG