Người giữ nghề làm đồ chơi tàu thủy

TP - Tàu thủy sắt từng là món đồ chơi “công nghệ” mơ ước của cả một thế hệ sinh trước năm 1990, tuy nhiên, trước sự xâm lấn của đồ chơi nhựa màu mè, tiện lợi của Trung Quốc, tàu thủy sắt đang chìm dần. 

Xóm Hồng, làng Khương Hạ trước kia nổi tiếng trong cả nước với nghề gò hàn đồ thiếc gia dụng, đồ chơi trẻ em: thùng, xô, chậu, bướm lượn, thỏ ngọc đánh trống... trong đó, đỉnh cao là tàu thủy. 

Người giữ nghề làm đồ chơi tàu thủy ảnh 1

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyên liệu chế tác tàu thủy là những chiếc ống bơ, hộp thiếc từ vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, sau khi rửa sạch thì được cán phẳng, lắp ghép thành hình thù theo ý muốn. 

Gọi là món đồ chơi công nghệ bởi tàu có thể di chuyển trên mặt nước, xả khói, phát ra tiếng kêu như một chiếc tàu thủy thật. “Động cơ” của tàu thủy sắt gồm 3 phần: nồi hơi, bình dầu và ống dẫn nước. 

Nồi hơi là tấm kim loại hình vuông, ở giữa có cán 1 lá đồng rất mỏng, bộ phận này có tác dụng truyền nhiệt và tạo tiếng nổ giòn như thật. Bình dầu chứa một ít dầu hỏa được đặt dưới nồi hơi. 

Ống dẫn nước nằm ở đáy tàu, gồm hai ống nhỏ song song, thông nhau, được hàn với nồi hơi, tạo lực đẩy giúp tàu di chuyển. Tàu chạy bằng sức nóng từ nồi hơi, truyền nhiệt vào ống dẫn nước, khiến ống dẫn nước sôi lên và tạo lực đẩy. 

Tàu thủy sắt giờ được bày bán mỗi dịp Trung thu ở các khu phố Hàng Thiếc, Hàng Mã, Lương Văn Can và tại một số trung tâm văn hóa giải trí, giá trung bình từ 100.000 đồng đến 350.000 đồng. Anh Nguyễn Tiến Dũng, 40 tuổi, vừa chọn mua cho con một chiếc tàu thủy truyền thống nói: “Trước đây, với thế hệ chúng tôi, món đồ chơi này là cả một kỳ quan về động lực học. Đứa trẻ nào cũng mất ăn mất ngủ chờ sáng mang tàu ra ao để ra khơi”.

Làng Khương Hạ giờ chẳng còn ai làm nghề gò hàn đồ thiếc, duy chỉ có ông Nguyễn Mạnh Hùng (50 tuổi) còn làm tàu thủy sắt. Tiếp xúc với tàu thủy từ 7, 8 tuổi, theo nghề từ đó đến nay, “ông tàu thủy” đã trải qua những thăng trầm cùng nghề. 


“Trước đây, mỗi dịp Trung thu, các cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội và thương lái Trung Quốc chầu chực ngày đêm ở làng để chờ lấy hàng, mỗi năm riêng nhà tôi bán được nghìn chiếc tàu sắt”, ông Hùng hoài niệm. 

Tàu thủy sắt Việt Nam cũng được bạn bè thế giới biết đến vì sự độc đáo của “động cơ”, gần đây, anh Hùng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng làm tàu chiến Mỹ để xuất đi nước ngoài. 

Trong khi đó, tàu sắt Việt lại đang đứng trước nguy cơ mai một do những món đồ chơi dạng “mỳ ăn liền” Trung Quốc tràn lan. Trẻ em giờ không mấy quan tâm đến đồ chơi truyền thống này, có chăng chỉ là một số phụ huynh “sành” mua cho con. 

Với ông Hùng, nỗi lo cơm áo gạo tiền không lớn bằng nỗi lo một ngày không xa, món đồ chơi truyền thống này sẽ thất truyền. Sẵn sàng truyền nghề, nhưng truyền cho ai khi tàu thủy sắt không nhận được sự quan tâm, không tiêu thụ được. 

MỚI - NÓNG