Nhiều 'lỗ hổng' trong quản lý ngân sách

Nhiều 'lỗ hổng' trong quản lý ngân sách
TP - HĐND thành phố Hà Nội vừa kết luận về đợt giám sát thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách giai đoạn năm 2011-2015. Nhiều bất hợp lý đã được phát hiện, kiến nghị tháo gỡ…

Lo ngại về tiền công đức tại di tích

HĐND thành phố Hà Nội cho biết, một số nhiệm vụ chi ngân sách chưa được làm rõ và chưa có hướng dẫn cụ thể như nhiệm vụ chi đầu tư của xã phường, thị trấn.

Thành phố cũng chưa làm rõ phạm vi nhiệm vụ chi của ngân sách đối với công tác quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di tích là các đình, đền chùa theo Luật Di sản và Luật Ngân sách nhà nước. Quy định về nhiệm vụ chi ngân sách cho cấp xã, phường có điểm chưa rõ, chưa ăn khớp với phân cấp về quản lý kinh tế xã hội. Ví dụ như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm do quận quản lý toàn diện, trong khi hồ Trúc Bạch, Giảng Võ, Ngọc Khánh có quy mô nhỏ hơn nhưng quận Ba Đình chỉ quản lý mặt nước còn lại do thành phố quản lý.

Nguồn thu của một số quận, huyện phụ thuộc lớn vào khoản thu tiền sử dụng đất (là nguồn thu không ổn định do phụ thuộc thị trường bất động sản), ảnh hưởng tới cân đối thu chi hằng năm. Đoàn giám sát cũng cho rằng khoản tiền công đức tại một số di tích hiện nay rất lớn song chưa được nghiên cứu, xem xét là một nguồn thu quản lý qua ngân sách! Huyện Quốc Oai có công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật phân cấp thuộc thành phố nhưng huyện vẫn phải bố trí nguồn thực hiện. Tại huyện Đông Anh, Gia Lâm một số tuyến đường phân cấp thành phố quản lý song không được Sở GTVT duy tu, sửa chữa; Sở Xây dựng không kịp thời thay bóng đèn, thông thoát nước úng ngập…

Tiêu chí xây dựng tỷ lệ điều tiết khoản thu tiền sử dụng đất căn cứ vào quy mô diện tích, Sở KHĐT Hà Nội cho rằng đất có quy mô diện tích từ 5.000m2 trở lên được điều tiết tỷ lệ % cho ngân sách quận, huyện theo 3 nhóm. Đối với quy mô nhỏ lẻ dưới 5.000 m2 được điều tiết 100% cho ngân sách quận, huyện dẫn tới tình trạng chia nhỏ dự án đấu giá dưới 5.000 m2 để được điều tiết cao…

7 quận, huyện tự cân đối ngân sách

HĐND thành phố đề nghị phân cấp ngân sách phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế xã hội, đảm bảo việc ở đâu tiền ở đó, việc đến mức nào thì tiền đến mức đó. Xây dựng định mức phân bổ ngân sách phải trên căn cứ khoa học, tiêu chí cụ thể, dễ kiểm tra, giám sát. Gắn phân cấp quản lý ngân sách với giao quyền, giao trách nhiệm về tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách.

Về mặt tích cực, kết quả giám sát tại 8 sở và 8 quận, huyện cho thấy, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã đạt được thành quả đáng ghi nhận. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã làm tăng tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương. Việc quy định cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi đã tạo điều kiện các địa phương chủ động hơn trong xác định và phân bổ, sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chi đã được phân cấp. Cơ chế phân cấp đã khuyến khích các địa phương chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn chi. Trong 5 năm qua, đã có 7 quận, huyện tự cân đối được ngân sách (như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy…).

MỚI - NÓNG