Những trạm viễn thông “chui” giữa khu dân cư

Trạm BTS mọc lên ở hầu khắp các khu dân cư.
Trạm BTS mọc lên ở hầu khắp các khu dân cư.
TP - Hàng loạt trạm thu phát sóng di động (BTS) được lắp “chui” trong những khu dân cư. Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc, lo lắng cho sức khỏe, an toàn xây dựng… Trong khi chính quyền địa phương vẫn lúng túng khi xử lý sai phạm.

Giật mình

Mới đây, hơn 30 hộ dân tại ngõ 209 Đội Cấn vừa đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về việc số nhà 35 cùng ngõ lắp một trạm BTS không phép. Theo người dân, cột ăn ten cao cả chục mét, rất cồng kềnh, có khả năng gẫy đổ đặc biệt trong mùa mưa bão. Bà Hường (số nhà 32A) cho biết, trạm BTS này không hề được cấp phép, họ lắp đặt vào các ngày nghỉ, ngày lễ để tránh gây chú ý.

Tuy nhiên, khi người dân bức xúc vì trạm BTS “chui” này, thì chủ nhà số 35 (nơi đặt trạm BTS) lại cho rằng: “Gia đình chỉ cho thuê mặt bằng, còn việc lắp đặt thiết bị thế nào, an toàn ra sao là do bên thuê”. Được biết, trong phạm vi 100m tính từ tâm là trạm BTS này thì quanh khu vực còn có 2 trạm BTS khác. Mật độ dày đặc các trạm BTS khiến người dân càng thêm lo lắng về sự cộng hưởng của các tần số sóng đến sức khỏe của mình.  

Một trạm BTS “chui” khác mới bị người dân phát hiện tại nhà số 4, ngách 41/184 phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa, Cầu Giấy). Trạm này đã hoạt động từ tháng 9/2016, nhưng đến tháng 4/2017 mới bị phát hiện. Ông Nguyễn Khắc Kháng, Tổ trưởng tổ dân phố số 12, phường Yên Hòa cho biết, chúng tôi không hề biết gì về việc thỏa thuận cũng như lắp đặt trạm BTS này.

“Xung quanh đây có nhiều người bị đau đầu, cũng đã có 2 trường hợp bị đột tử mà người dân nghi ngờ có liên quan đến trạm phát sóng BTS”, ông Kháng cho hay. Theo người dân tại đây, kể từ khi bị phát hiện, người dân đã làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng đến nay, trạm BTS này vẫn tồn tại.

Thiếu chế tài xử lý

Trao đổi với Tiền Phong về trạm BTS “chui” tại phường, lãnh đạo UBND phường Yên Hòa cho biết, đã đề nghị quận Cầu Giấy có văn bản yêu cầu Cty Điện lực quận Cầu Giấy cắt nguồn cấp điện cho trạm BTS này. Tuy nhiên, hiện nay trạm BTS bị cắt điện chưa, có còn hoạt động hay không thì lãnh đạo phường cũng không nắm được. Theo vị này, trạm BTS lắp đặt 1 năm nhưng không ai biết. Phường đã vận động nhiều lần nhưng chủ nhà không tháo dỡ. Đến nay, quận đã ra văn bản yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ, phường sẽ phối hợp giám sát xử lý trạm BTS nói trên.

Một đại diện UBND phường trên địa bàn quận Đống Đa cho biết thêm, mặc dù trên địa bàn có hơn chục trạm BTS thế nhưng phường không lưu hồ sơ của bất cứ trạm BTS nào. Bởi thẩm quyền lưu hồ sơ thuộc cấp Phòng Văn hóa thuộc UBND quận. Phường chỉ nhận được thông báo khi đơn vị thi công bắt đầu tiến hành lắp đặt trạm.

Theo vị này, các trạm BTS lắp trên các nóc nhà dân hiện nay là các trạm loại 2, có chiều cao tối đa 18m, tối thiểu 12m, trọng lượng khoảng 1 tấn. Với sự phát triển mạng công nghệ hiện nay, mật độ các trạm BTS ngày càng dày lên. Đi cùng với đó là lo ngại về sức khoẻ của người dân cũng ngày càng tăng cao. “Đa phần người dân lo lắng mưa bão sẽ gây gãy đổ cột, mất an toàn. Bản thân đơn vị lắp đặt sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công trình BTS”, vị này nói.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TT&TT) cho biết, việc xây dựng trạm BTS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do người dân lo ngại ảnh hưởng sóng điện từ từ trạm BTS đối với sức khỏe con người. Thời gian qua Sở TT&TT cũng đã nhận được một số đơn thư liên quan đến các trạm BTS, tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì các mức phơi nhiễm rất thấp, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các tín hiệu tần số vô tuyến điện gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe.  

Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có 7.071 cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) tích hợp các công nghệ 2G, 3G, 4 G và 1.060 trạm phát sóng thông tin di động trong các tòa nhà cao tầng (trạm IBS). Việc triển khai xây dựng thêm các trạm BTS là để mở rộng vùng phủ sóng, đảm bảo vùng phủ sóng mạng 4G và nâng cao chất lượng dịch vụ, là cơ sở hạ tầng để triển khai thành phố thông minh, chính quyền điện tử và triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn thành phố.

Để hạn chế những ảnh hưởng sóng, tạo cảnh quan, thời gian qua Hà Nội đã triển khai thí điểm thành công 10 trạm BTS thân thiện môi trường. Trạm được bố trí tại các địa điểm công cộng, tạo cảnh quan, đủ hạ tầng để lắp đặt biển thông tin quảng bá hình ảnh, chiếu sáng, camera giao thông, wifi, hệ thống quan trắc môi trường… 

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.