Nỗ lực cứu vãn tình trạng ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí do khí thải gây ra. Ảnh: Như Ý.
Ô nhiễm không khí do khí thải gây ra. Ảnh: Như Ý.
TP - Báo cáo định kỳ theo quý về chất lượng không khí tại Hà Nội và TPHCM của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) công bố tháng 5/2017 cho biết, quý I/2017, Hà Nội trải qua 37 ngày nồng độ PM 2.5 (bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 micrômét trở xuống) trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 ìg/m3) và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 ìg/m3. 

Về tổng thể, so sánh chất lượng không khí tại Hà Nội quý I/2017 với cùng kỳ năm ngoái, chất lượng không khí tại Hà Nội có được cải thiện. Trong quý I/2016, số ngày chất lượng không khí ở nhóm không tốt chiếm 88% tổng số ngày trong quý, trong khi đó con số này giảm còn 61% ở quý I/2017. Chất lượng không khí Hà Nội đã có sự cải thiện, nhưng những giờ cao điểm quý I/2017 Hà Nội lại có chất lượng không khí kém hơn 2016.

Chất lượng không khí suy giảm đã gây ra những thiệt hại về kinh tế cho Thủ đô, khi người dân thường xuyên phải chi phí cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị do Bộ TN&MT công bố tháng 7/2017, với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, với ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp là 1.500 đồng/người/ngày, mỗi năm người dân nội đô tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng/năm mà nguyên nhân quan trọng là do ô nhiễm không khí.

Theo kết quả quan trắc, vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội là chỉ tiêu bụi TSP và bụi PM10 (bụi mịn có đường kính dưới 10 micrômét trở xuống). Tại một số vị trí và một số thời điểm vượt QCVN 05/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh từ 1,5 - 2,0 lần. Kết quả quan trắc cho thấy, các khu vực có mật độ dân cư cao, có nhiều cơ sở sản xuất, có tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh nằm trong nhóm suy giảm chất lượng không khí cao nhất như Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai và phía Tây Hà Nội…

Giải pháp

Để cải thiện chất lượng không khí khu vực nội thành, Sở TN&MT Hà Nội đã xây dựng một nhóm giải pháp nhằm hạn chế suy giảm chất lượng không khí trong giai đoạn 2017 - 2020.

Cụ thể, sẽ phối hợp với tổ chức AirParif (Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội thực hiện các giải pháp kỹ thuật cao trong quản lý, giám sát chất lượng không khí khu vực nội thành. Trong đó, triển khai các dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực. Số liệu quan trắc không khí được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND thành phố. Thành lập trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc chuyển về Sở TN&MT.

Cùng với đó, Sở TN&MT đề xuất thực hiện một số biện pháp cưỡng chế, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động truyền dẫn số liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Đầu tư xây dựng các điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Quy hoạch tập kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá xẻ về một khu tập trung và áp dụng các biện pháp công nghệ xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi. Kiểm tra, rà soát các cơ sở trạm trộn bê tông toàn thành phố, đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, khu công nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Cục Đăng kiểm trong việc đăng kiểm mới và định kỳ khi cho lưu hành các loại phương tiện giao thông, xe cơ giới. Xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 (Euro 4, Euro 5) trên địa bàn Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.