Nỗ lực khôi phục hình ảnh kiến trúc gốc khu vực hồ Hoàn Kiếm

Dự án chỉnh trang góp phần bảo tồn và khôi phục lại kiến trúc nguyên gốc.
Dự án chỉnh trang góp phần bảo tồn và khôi phục lại kiến trúc nguyên gốc.
TP - Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận Hoàn Kiếm về việc chỉnh trang các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội đã tập trung triển khai, chỉnh trang mặt đứng công trình kiến trúc theo nguyên tắc lưu giữ bảo tồn với việc khôi phục tối đa kiến trúc gốc công trình, các tuyến phố thời kỳ đầu hình thành được xây dựng cách đây ngót nghét trăm năm.

Đối tượng tác động là mặt đứng công trình trên các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hàng Khay, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ) và các phố đấu nối ra hồ (Nguyễn Xí, Ðinh Lễ, Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Lò Sũ, phố Hồ Hoàn Kiếm, Cầu Gỗ, Bảo Khánh, Hàng Hành, Nhà Thờ, các đoạn phố Lương Văn Can, Hàng Trống thực hiện trong năm 2017).

Khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành trung tâm đô thị có lẽ được tính từ thời Lê - Trịnh với sự ra đời của quần thể Vương Phủ Trịnh, làm thay đổi quan trọng diện mạo, đời sống đô thị. Nhưng đa phần các giá trị tồn tại đến ngày nay thì cơ bản được hình thành trong giai đoạn 1888 - 1954 khi người Pháp quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm thành trung tâm hành chính, chính trị, thương mại của Hà Nội theo phong cách đô thị phương Tây: Trục đường Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi được xây dựng và trở thành trục đường khởi đầu của mạng lưới đường phố dạng ô bàn cờ, mặt cắt đường rộng, thẳng. Các công trình hành chính, công trình công cộng, nhà cửa mới được xây dựng, xuất hiện các cửa hàng, cửa hiệu lớn.

Hồ Hoàn Kiếm được kè bờ hồ, làm đường đi vòng quanh gắn với các không gian mở, quảng trường, trồng cây xanh, thảm cây hệ thống đèn chiếu sáng.... Trong nhiều năm qua hồ Hoàn Kiếm luôn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà văn hóa, các tổ chức trong nước và quốc tế và đặc biệt là các chuyên gia lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc để tiếp tục phát huy và khẳng định tầm quan trọng của vị thế đặc biệt.

BQL phố Cổ Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát hiện trạng, đề xuất phương án trên cơ sở khôi phục tối đa kiến trúc mặt đứng nguyên gốc của các công trình, tháo dỡ các mái che, mái vẩy, di chuyển các cục nóng điều hòa, biển hiệu không phù hợp… nhằm giảm thiểu tác động xấu đến kiến trúc công trình. Phương án được giới thiệu, xin ý kiến tại các hội nghị và đã nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức và các hộ dân trong phạm vi dự án, của các hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội), Ile de France (Pháp) và các Sở, ban, ngành Thành phố. 

Dự án chỉnh trang 3 tuyến phố Hàng Khay, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ được triển khai từ ngày 21/11 và hoàn thành ngày 20/01/2017. Dù thực hiện trong thời gian rất ngắn, BQL phố Cổ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND các phường và các đơn vị chức năng tập trung triển khai thực hiện. Hàng tuần, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đều trực tiếp giao ban với BQL phố Cổ Hà Nội và các đơn vị để kiểm soát tiến độ, chất lượng cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Ðến hết tháng 12/2016, dự án đã hoàn thành việc chỉnh trang đối với 26 công trình trụ sở các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và 54 biển số nhà ở của dân trên 3 tuyến phố nêu trên, gồm các hạng mục: Tháo dỡ mái hiên, mái che, biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định, mất mỹ quan, làm rõ, nét các chi tiết kiến trúc, sơn vôi, đồng thời tổ chức thanh thải, sắp xếp lại các đường dây thông tin truyền thông... Tất cả góp phần tạo nên bộ mặt tuyến phố khang trang và bản sắc. 

Ðánh giá về ý nghĩa của dự án, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định “Chủ trương của thành phố về việc chỉnh trang các công trình quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm mang ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần khôi phục, bảo tồn các giá trị lịch sử và kiến trúc của Thủ đô, vừa góp phần tôn vinh giá trị Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm”.

Phát huy kết quả thành công của các dự án chỉnh trang các phố Tạ Hiện (2010 -2011), Hàng Ðào - Hàng Ngang - Hàng Ðường - Ðồng Xuân - Hàng Giấy (2010), Lãn Ông (2013 - 2014)…, việc chỉnh trang các công trình quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần tái thiết, nâng cao chất lượng đô thị khu vực nội đô lịch sử theo đúng mục tiêu đã xác định theo Ðồ án Quy hoạch chung: Xây dựng Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

MỚI - NÓNG