Công bố quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030:

Thêm 14 tuyến đường sắt đô thị và buýt nhanh

Ngoài hai tuyến đang thi công, Quy hoạch GTVT Hà Nội còn có 7 tuyến ĐSĐT khác sẽ được xây dựng. Ảnh: Trọng Đảng.
Ngoài hai tuyến đang thi công, Quy hoạch GTVT Hà Nội còn có 7 tuyến ĐSĐT khác sẽ được xây dựng. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Ngoài các cầu đã có, từ nay đến năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ xây thêm 12 cầu và hầm vượt sông Hồng. Hà Nội cũng hoàn thành 9 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT); 8 tuyến buýt nhanh (BRT) để tăng khả năng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) giúp hạn chế xe cá nhân từ năm 2025.

Các nội dung trên được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đưa ra trong buổi công bố quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch GTVT Hà Nội) tổ chức vào cuối tuần qua. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, trong 14 năm tới Thủ đô cần trên 1,2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư.

Cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên 75m

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Quy hoạch GTVT Hà Nội sẽ được thành phố bắt tay triển khai cụ thể trên các lĩnh vực: Hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị và xe buýt nhanh; giao thông đường thủy, đường hàng không; vận tải hành khách công cộng; hệ thống bến bãi giao thông tĩnh…

 Với quy hoạch hạ tầng đường bộ, quy hoạch nêu rõ, thành phố sẽ hoàn thiện mạng lưới đường giao thông theo các nhóm công trình: đường đô thị, đường ngoài đô thị, các nút giao thông, các cầu hầm qua sông,  đường cao tốc, và QL. Các nhóm công trình đường đô thị sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống đường vành đai, hệ thống đường trên cao. Việc xây dựng hệ thống đường trên cao được thành phố Hà Nội xác định, giúp kết nối với mạng lưới đường nội đô.

Đường trên cao xây dựng sẽ tập trung vào 4 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 36 km, bao gồm: đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, đường Tôn Thất Tùng - vành đai 3. Với hệ thống cầu hầm qua sông, thành phố xây thêm nhiều cầu trên các sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và sông Đà.

Riêng sông Hồng, ngoài 7 cầu đã có, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây thêm 11 cầu, trong đó có cả hầm vượt sông. Các cầu, hầm vượt sông Hồng này bao gồm: cầu Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Phú Xuyên, Vân Phúc, Ba Vì, và cầu hầm vượt sông Trần Hưng Đạo.

 Ngoài ra, trên sông Hồng, cả Bộ GTVT và thành phố Hà Nội đã thống nhất xây 5 cầu đường sắt qua sông, trong đó có cầu đường sắt mới cho tuyến số 1 đang chạy trên cầu Long Biên hiện nay. Về dự án này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau nhiều ý kiến, phương án được đưa ra, tại Quy hoạch GTVT Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt cầu đường sắt mới nằm cách cầu Long Biên khoảng 75m về phía thượng lưu.

Vận tải hành khách đáp ứng 30% nhu cầu

Quy hoạch GTVT Hà Nội xác định, VTHKCC vẫn là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, với sự tham gia của loại hình đường sắt đô thị, từ nay đến năm 2020 VTHKCC Hà Nội  được quy hoạch đặt ra phải đạt được từ 30 đến 35% nhu cầu. Để đạt được các chỉ số trên, quy hoạch nêu rõ, cùng với ưu tiên phát triển xe buýt truyền thống, Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến buýt nhanh - BRT và 9 tuyến ĐSĐT. 

Với các tuyến buýt nhanh, ngoài tuyến  BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sắp hoàn thành, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 7 tuyến khác, bao gồm: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Sơn Đồng - Ba Vì, Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, Gia Lâm - Mê Linh, Mê Linh - Yên Nghĩa - QL5, Ba La - Ứng Hòa, Ứng Hòa - Phú Xuyên. 

Với hệ thống ĐSĐT, ngoài 2 tuyến đang xây dựng Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) và Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3 giai đoạn 1), Hà Nội sẽ xây dựng 7 tuyến khác, trong đó có các tuyến: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh (tuyến số 1); Nội Bài - Nam Thăng Long - Bờ Hồ, Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt (tuyến số 2); Trôi - Nhổn - ga Hà Nội- Hoàng Mai (tuyến số 3)…

Với hệ thống bến xe khách liên tỉnh, quy hoạch xác định, từ nay đến năm 2030 Hà Nội từng bước chuyển các bến xe nằm trong khu vực nội thành ra bên ngoài vành đai 3. Các bến xe đang nằm sâu trong nội đô như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình… tùy thuộc vào tiến trình đô thị và xây dựng đường sắt đô thị sẽ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ vận tải hành khách công cộng nội đô và hỗ trợ cho các bến xe liên tỉnh mới.

Tại buổi công bố quy hoạch, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa dẫn đầu cả nước. Sức ép về xây dựng, đi lại rất lớn, do vậy cần thiết phải có quy hoạch GTVT để làm cơ sở hoàn thiện hạ tầng giao thông. Để thực hiện đúng và có hiệu quả quy hoạch, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, Hà Nội phải công khai quy hoạch cho tất cả các sở ngành, người dân được biết, từ đó cùng thực hiện và cùng giám sát, tránh thực hiện chồng chéo, phá vỡ quy hoạch. 

MỚI - NÓNG