Tốn bao nhiêu cũng phải xử lý ô nhiễm môi trường

Tốn bao nhiêu cũng phải xử lý ô nhiễm môi trường
TP - Phát biểu tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố mới đây, ông Đinh Trường Thọ, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cho rằng, Hà Nội đang rất bức bối về vấn nạn ô nhiễm các dòng sông và các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

 “Có thể nói tình hình rất nghiêm trọng. Như ở địa bàn huyện Thanh Oai, gần như hai dòng sông Đáy và sông Nhuệ ôm trọn khu vực và ô nhiễm cực kỳ nặng. Đầu năm khi chúng tôi bơm nước phục vụ nông nghiệp thì màu đen kịt, mùi rất khó chịu”, ông Thọ nói.

Cùng với đó, ô nhiễm tại các làng nghề, cụm công nghiệp nhưng vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường rất hạn chế. “Chúng tôi kiến nghị với thành phố trong thời gian tới sớm đề nghị với Chính phủ có giải pháp với hai dòng sông này để đảm bảo đời sống người dân cũng như sản phẩm nông nghiệp”, ông Thọ đề xuất.

Đồng quan điểm với lãnh đạo huyện Thanh Oai, ông Trần Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì cho rằng, cái tên Thanh Trì vốn được hiểu là “hồ nước trong xanh”, nhưng do là vùng trũng nên bây giờ ô nhiễm nặng nề. “Thanh Trì có hai dòng sông Tô Lịch và sông Nhuệ chảy qua. Năm ngoái chúng tôi biết thân biết phận đã bảo nhau cải tạo môi trường, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể huy động lực lượng làm vệ sinh hai bên bờ sông thôi còn xử lý nước thải phải là T.Ư và thành phố”, ông Khương nói đồng thời cho biết, dường như thành phố đang quan tâm đến rác thải còn nước thải thì chưa thực sự chú trọng. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận hiện nay hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm rất nặng. “Với sông Đáy thì T.Ư đã quan tâm, tiếp nước từ sông Tích vào và nạo vét để bảo đảm vệ sinh môi trường. Còn sông Nhuệ đang hết sức ô nhiễm. Hà Nội có chủ trương đưa nước sông Hồng vào làm sạch. T.Ư với Hà Nội sẽ phối hợp nạo vét, đảm bảo không lấn chiếm lòng sông, không ô nhiễm nữa”, ông Mỹ nói.

Tốn bao nhiêu tiền cũng phải làm

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, thành phố đang rất quan tâm và sẽ ban hành nghị quyết về môi trường. Theo ông Hải, quy hoạch làm sống lại sông Đáy, nguồn vốn trước đây lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ và từ ngân sách nhưng bây giờ không có, phải tự huy động. “Nếu không giải quyết được hàng loạt các dự án từ sông Đà vào sông Tích, từ sông Tích vào sông Đáy rồi dự án nạo vét sông Nhuệ, Đáy thì không cách nào chúng ta giải quyết được vấn đề môi trường. Chúng ta sẽ xây dựng nghị quyết này tập trung triển khai”, ông Hải nói. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, thành phố đang triển khai nhiều công việc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chứ không phải là không quan tâm. Chỗ Yên Xá làm xong đã giải quyết được nửa sông Tô Lịch rồi. Chủ tịch thành phố và các sở ngành đang nghiên cứu phương án là bổ cập nguồn nước vào Hồ Tây. Xử lý nước thải, cộng với đưa thêm nước vào để làm sạch sông Tô Lịch... 

Theo ông Hải, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là thách thức rất lớn. “Bao giờ toàn bộ chương trình Nhuệ, Đáy làm được thì mới yên tâm. Các huyện phía Nam như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa rất khổ về vấn đề môi trường. Chúng tôi biết lắm, cho nên bao nhiêu tiền cũng phải bỏ ra làm. Nhiều công trình bây giờ cho triển khai làm còn chưa biết vốn ở đâu, nhưng phải ưu tiên mà làm. Tất cả các chương trình tôi nói ở trên cần vốn vô cùng lớn, khoảng hơn 20 nghìn tỷ”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.