Từ đi bộ tới nhún nhảy, tung tăng

Tam tấu giao hưởng đường phố. Ảnh: Đặng Tuấn Trung.
Tam tấu giao hưởng đường phố. Ảnh: Đặng Tuấn Trung.
TP - Hồi cạnh Hồ Gươm mới mở khu chợ đêm, lắm người háo hức. Lên vài lần hết hứng vì có mỗi việc đi bộ dọc trục (Hàng) Đào-Ngang-Đường đến chợ Đồng Xuân rồi “ngược”. Đông hàng nhiều quán đôi khi chỉ để ngắm. Cho tới gần đây, từ lúc xuất hiện biểu diễn nghệ thuật đường phố, dân tình bỗng chuyển sang nhún nhảy.

Ngẫu Hứng Phố

Đây không phải lần đầu tại Hà Nội, âm nhạc chịu khó “thò mặt” ra phố. Mới năm kia năm kìa, dân mê nhạc Thủ đô còn ngóng mỗi dịp cuối tuần lên góc Lý Thái Tổ-Lý Đạo Thành nghe LUALA concert (một chương trình hòa nhạc cổ điển chơi tại vỉa hè). Người ta gọi nơi đấy là góc phố văn hóa. Năm rồi (2014) góc văn hóa vắng tiếng đàn khiến phố cổ thoáng trầm xuống.

Vắng mợ, chợ vẫn đông. Chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, người ta vác nhạc cụ ra hẳn bốn góc phố (khu vực đi bộ mới mở Hàng Buồm, Tạ Hiện) để chơi cho đã. Những tưởng chỉ ngẫu hứng, một hai tháng rồi thôi. Ai dè càng làm càng thấy hay.

“Ở nước ngoài, âm nhạc đường phố tồn tại từ rất lâu rồi. Mình mới triển khai nhưng thấy phố cổ sống động hẳn lên” – KTS, nhiếp ảnh gia Đặng Tuấn Trung, người tham gia thực hiện ý tưởng biểu diễn nghệ thuật tại khu phố cổ Hà Nội cho biết.

Nói là biểu diễn nghệ thuật vì không chỉ riêng âm nhạc. Khách dạo chợ đêm phố cổ, cả Tây lẫn ta đều có thể nhún nhảy theo điệu nhạc nhịp dancing, ồ à với xiếc ảo thuật. “Dĩ nhiên âm nhạc vẫn là cốt lõi bởi nó có sức biểu cảm cao, thu hút lớn.

Ở đây chúng tôi chơi từ nhạc dân tộc đến giao hưởng. Tango, Flamengo hay các bản ballad trữ tình. Tùy theo hứng và tùy theo yêu cầu của khách. Nói đến đường phố, đừng nhắc chủ đề. Sướng lên thì chơi không cần bài bản gì cả”, anh Trung nói với vẻ hào hứng.    

Từ đi bộ tới nhún nhảy, tung tăng ảnh 1

Khoảnh khắc ngẫu hứng. Ảnh: Đặng Tuấn Trung.

Người lớn lấn cấn, con trẻ tung tăng

Nước ngoài người ta thường tổ chức hoạt động âm nhạc đường phố tại những khu vực thuần túy kinh doanh. Ở mình muốn làm phố đi bộ, phải “ngăn sông cấm chợ”. Nguyên việc xe cộ “mời” gửi ở ngoài đã khiến người dân sở tại không vui. Phố cổ chật chội, các gia đình thường tam đại, tứ đại đồng đường. Ồn ã cả ngày, người già chỉ chờ đến tối để nghỉ ngơi thì lại đàn với hát, cuối tuần còn chẳng được yên thân.

Chưa kể chuyện mất an ninh.Trước những lời phàn nàn này, Ban quản lý phố cổ tiến hành một số điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích chung. Dần dà cũng nhận được sự đồng thuận. Người Hà Nội gốc “Kẻ Chợ” vốn dễ thích nghi sự náo nhiệt. Sinh hoạt có phần đảo lộn song đổi lại, bà con được dịp kinh doanh thêm buổi tối hoặc cho thuê địa điểm trước cửa nhà. Tiền bạc là một chuyện. Cứ lấy niềm vui của đám con trẻ mà dễ xuê xoa.

“Đẩy nhạc công ra phố chơi nhạc thì chưa phải là âm nhạc đường phố. Nghệ thuật đường phố là thứ nghệ thuật của ngẫu hứng được thể hiện bởi những người yêu thích nghệ thuật, có thể chơi ở bất cứ đâu”.  

KTS, nhiếp ảnh gia Đặng Tuấn Trung

Trẻ con phố cổ rõ ràng thiệt thòi hơn chúng bạn miền quê ở chỗ ít kiếm được nơi đủ rộng rãi như bãi cỏ, sân đình. Giờ thấy đám nhóc chạy nhảy hò hét, phi xích lô mini rầm rầm, rất ư thoải mái. Ba buổi tối cuối tuần, dường như con phố biến thành cái đường làng cho chúng vui chơi.

“Hiệu quả của biểu diễn nghệ thuật đường phố hãy để cộng đồng đánh giá. Nhưng tôi có thể nói hoạt động văn hóa này sẽ được duy trì đều đặn” - KTS Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban quản lý phố cổ khẳng định.

Nghệ thuật và cộng đồng

“Chúng tôi hướng tới việc không phải đứng ra tổ chức nữa mà dần dần biểu diễn nghệ thuật sẽ thâm nhập vào cộng đồng. Ví như vài ba nhà liền kề tự thuê người chơi nhạc hoặc chính ông chủ vác đàn ra đánh” - KTS Đặng Tuấn Trung nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy tính tự phát đúng chất đường phố.

Sau thành công bước đầu, Ban quản lý một mặt duy trì hoạt động nghệ thuật, mặt khác cho chỉnh trang bộ mặt văn hóa đường phố. Những mái hiên xộc xệch đang được đổi, những tấm bạt che lem nhem được gỡ xuống. Mớ dây diện chằng chịt như lưới nhện cũng “hạ thổ”. Đối tượng tiếp theo là các mảng tường chung.

“Dọc phố Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ có nhiều đoạn lở lói. Tường bao công trình, tường nhà vệ sinh công cộng. Chẳng thuộc ai nên chẳng ai sửa. Chúng tôi muốn biến thành các mảng nghệ thuật. Tạo ra những bức graffiti chẳng hạn. Hoặc tranh Đông Hồ, Hàng Trống” - vẫn anh Trung. Âu cũng là một giải pháp sáng tạo và ít tốn kém.

Tết Nguyên đán sắp tới phố cổ hứa hẹn “xôm” phải biết. Nghe đâu đêm tất niên, cánh nghệ sĩ biểu diễn sẽ không co cụm mà rải ra vài nhà có một nhạc công. Thử hình dung vào thời khắc giao thừa, các tuyến phố cùng vang lên một bản nhạc mừng năm mới. Sẽ là một thời khắc của văn hóa nghệ thuật và của cộng đồng.

Đầu tháng 10/2014, quận Hoàn Kiếm mở thêm 6 tuyến phố đi bộ: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Đi kèm theo đó là hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố miễn phí như âm nhạc, dancing, xiếc, ảo thuật… thu hút sự quan tâm lớn của dân Thủ đô và khách du lịch.

MỚI - NÓNG