Vẫn "loay hoay" xử phạt lỗi vượt đèn vàng

Vẫn "loay hoay" xử phạt lỗi vượt đèn vàng
TPO -   Sau một tuần thực thi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, CSGT xử phạt lỗi vượt đèn vàng vẫn gặp khó, trong khi CSCĐ xử phạt vi phạm về mũ bảo hiểm xuất hiện nhiều ý kiến, phản ứng trái chiều.

Phạt lỗi vượt đèn vàng nơi có camera giám sát

Sau một tuần thực thi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tăng mức phạt hơn 100 hành vi vi phạm luật giao thông, tình trạng người dân ở Hà Nội điều khiển xe vi phạm luật giao thông vẫn phổ biến, đặc biệt vi phạm về quy định đội mũ bảo hiểm. Cũng trong tuần đầu thực thi quy định phạt lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng), đã xuất hiện nhiều tình huống, ý kiến phản ánh trái chiều khiến việc xử lý gặp khó khăn.

Trao đổi với Tiền Phong, anh Trần Quang (31 tuổi, ở quận Hà Đông) cho biết, vài ngày trước anh lái xe máy dừng đèn đỏ tại ngã tư Tôn Đức Thắng – Cát Linh –  Quốc Tử Giám cùng hàng chục phương tiện khác. Khi đèn chuyển màu xanh, anh lái xe qua nút giao thì bị cảnh sát ra tín hiệu dừng, báo lỗi vượt đèn vàng. 

“Tôi thông báo không vượt đèn vàng và yêu cầu được xem hình ảnh chứng minh từ camera giám sát trên hệ thống đèn nhưng không được đáp ứng. Không chỉ tôi mà nhiều người khác tại nút giao này bị dừng xe một cách vô lý khiến nhiều người mất thời gian, dở công việc” - anh Quang nói. 

Vẫn "loay hoay" xử phạt lỗi vượt đèn vàng ảnh 1

Một tuần xử phạt lỗi vượt đèn vàng, lực lượng CSGT Hà Nội vẫn gặp khó. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Theo anh Quang, việc đứng phía trước giữa dòng phương tiện lưu thông tiến về mình, cảnh sát khó có thể quan sát và nhân định bánh xe người điều khiển có vượt đèn vàng, đèn đỏ hay không dẫn đến nhiều tài xế phản ứng.

Một cán bộ đội CSGT số 3 cho biết, mức phạt tăng nặng được áp dụng một tuần qua nhưng ý thức chấp hành của người dân thủ đô chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí nhiều người chưa nắm được quy định mới. Mức phạt đối với hành vi không chấp hành tín hiệu đèn được tăng tới 400.000 đồng đối với người điều khiển xe máy, 2 triệu đồng đối với ô tô. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước GPLX là nguyên nhân khiến nhiều tài xế phản ứng khi bị cảnh sát dừng.

Còn đại uý Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng CSGT số 1 cho biết, tình trạng phương tiện vượt đèn vàng vẫn xuất hiện nhiều, điển hình đối với xe máy lưu thông trên phố cổ. Tuy nhiên, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn do lực lượng tuần tra không đủ đáp ứng tất cả các nút giao trên phố. Tại các nút giao không có tín hiệu đèn, nhiều người yêu cầu hình ảnh chứng minh vi phạm khiến cảnh sát gặp khó.

“Tại các nút giao không có đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn, lực lượng tuần tra thường không xử lý mà chỉ phạt người điều khiển vi phạm tại các nút giao có hệ thống camera giám sát từ Trung tâm tín hiệu”, ông nói.

CSCĐ không được lập chốt như CSGT

Cũng tuần đầu CSCĐ Hà Nội ra quân, thực hiện kế hoạch 204 tổng xử lý phạm về mũ bảo hiểm xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng của người người dân. Anh Mạnh Thắng (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, nhiều ngày đi làm về anh chứng kiến tổ công tác CSCĐ thường xuyên cắm chốt trên đường Yên Xá xử lý vi phạm như CSGT thời điểm 19h hằng ngày. Ngoài ra, các tuyến đường nhỏ hẹp khác như Trung Kính, Cầu Giấy… cũng xuất hiện các tổ CSCĐ cắm chốt liên tiếp nhiều giờ.

Vẫn "loay hoay" xử phạt lỗi vượt đèn vàng ảnh 2

Lực lượng CSCĐ không được phép cắm chốt xử lý vi phạm như CSGT. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ngày 9/8, trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Nguyễn Tiến Tùng – Trung đoàn phó CSCĐ Công an Hà Nội cho biết, lực lượng CSCĐ không được phép cắm chốt xử lý vi phạm tại một điểm. Về phản ánh trên, ông cho biết có thể thời điểm này tổ tuần tra đang xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm. Ông cũng cho biết, sẽ yêu cầu các đại đội báo cáo công tác tuần tra như phản ánh.

Về chức năng nhiệm vụ theo kế hoạch 204, CSCĐ được chỉ dừng xe, xử lý lỗi ban đầu về vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm. Từ lỗi này, lực lượng tuần tra mới được phép kiểm tra hành chính và các vi phạm khác, đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Nghiêm cấm hành vi truy đuổi, xử lý sai lỗi, sai địa bàn hay cắm chốt xử lý vi phạm như CSGT.

Tuần đầu ra quân, đơn vị xử lý hơn 3.200 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở hơn 1.000 trường hợp (chiếm 31%). Trước câu hỏi số lượng vi phạm nhắc nhở, bỏ qua chiếm tỷ lệ lớn liệu có xảy ra tiêu cực, vị Trung đoàn phó cho biết, những trường hợp này chủ yếu là chở theo trẻ em, người già, chở người vào viện cấp cứu… được lực lượng tuần tra nhắc nhở, tuyên truyền về kế hoạch mà không xử phạt. Không có chuyện tiêu cực, lạm quyền bao che vi phạm.

Phòng CSGT Hà Nội cho biết, 7 ngày đầu ra quân thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (từ ngày 01/8-07/8), lực lương tuần tra xử lý hơn 12.800 trường hợp vi phạm luật giao thông; tạm giữ 335 phương tiện, tước 534 GPLX. Trong đó, cảnh sát đã xử lý 226 tài xế vi phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

MỚI - NÓNG