Xây dựng “Thành phố thông minh”: Sự hài lòng của dân là thước đo đề án

Thiết bị y tế điện tử được trang bị trong Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Thiết bị y tế điện tử được trang bị trong Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - “Thành phố thông minh” là một cụm từ khá mới mẻ với đại đa số người dân, tuy nhiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, bà Phan Lan Tú, tỏ ra rất hào hứng, và thể hiện quyết tâm cao trong việc hiện thực hóa đề án đầy tham vọng này.

“Chúng ta đã thực hiện nhiều đề án về quản lý xã hội, quản lý nhà nước, tuy nhiên, đa phần các đề án chưa đánh giá hiệu quả dựa trên mức độ hài lòng của người dân!”, bà Tú nói.

Chính quyền điện tử, giao thông thông minh

Thưa bà, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước nghe cụm từ “thành phố thông minh” vẫn cảm thấy mơ hồ và xa lạ. Liệu đây có phải là đề án có chút “lãng mạn”?

Trên thực tế, chúng ta cũng đã thấy, khái niệm “thông minh” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với những cụm từ như “ngôi nhà thông minh”, “lớp học thông minh”,…Và có thể thấy, việc xây dựng một “thành phố thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.  Nói một cách dễ hiểu, “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng. Thành phố thông minh hội nhiều yếu tố như: Nền kinh tế thông minh, Di chuyển thông minh, Môi trường thông minh, Quản lý đô thị hiện đại, cư dân thông minh, cuộc sống thông minh... Và trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”) sẽ đóng vai trò trung tâm.

Tại Hà Nội, Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng với quan điểm: Phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên chiến lược của thành phố Hà Nội, trong đó, một nội dung quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Do đó, đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh” được xây dựng căn cứ trên Quy hoạch đã được phê duyệt và thực tế kinh nghiệm triển khai trên thế giới và tại Việt Nam.

Được biết đề án đã nằm trên bàn của lãnh đạo thành phố, trường hợp được phê duyệt, đề án sẽ được triển khai ra sao, và kinh phí dự tính sẽ là bao nhiêu?

Dự thảo Đề án đã được gửi xin ý kiến các sở ngành có liên quan và Sở TT-TT đã hoàn thiện trình UBND thành phố xem xét.

Mục tiêu tổng quát của đề án được đặt ra: Xây dựng thành phố Hà Nội thành “thành phố thông minh hơn” với trọng tâm là “chính quyền điện tử” hiệu quả trong quản lý, điều hành; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa giao thông... hướng tới hình thành và phát triển kinh tế tri thức; đưa Thủ đô tham gia vào các diễn đàn thành phố thông minh trên thế giới.

Để triển khai đề án, 8 giải pháp đã được đặt ra, trong đó có một số giải pháp trọng tâm là: Xây dựng môi trường pháp lý; Giải pháp tài chính, thu hút vốn đầu tư; Giải pháp đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.

Dự thảo đề án đang trình UBND thành phố xem xét, quyết định nên kinh phí dự kiến chưa được chính thức thông qua. Tuy nhiên, xin được nói thêm, trong giải pháp tài chính, nguồn vốn đầu tư cũng đã xác định từ các nguồn: ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa. Trong đó sẽ ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa còn vốn ngân sách sẽ tập trung để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng Công nghệ Thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan nhà nước của thành phố, triển khai các nền tảng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực trọng tâm.

Xây dựng “Thành phố thông minh”: Sự hài lòng của dân là thước đo đề án ảnh 1

Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội.

Bệnh án điện tử, khám bệnh từ xa

Có thực tế là nhiều đề án dù rất tốt, có tính khả thi cao, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại thiếu vai trò kết nối, điều hành của một “nhạc trưởng” nên hiệu quả không cao, gây lãng phí?

Đúng là với một đề án có qui mô phức tạp, liên quan đến nhiều ngành thì quá trình triển khai rất  phức tạp và cần phải có sự kết nối, đồng bộ.

Như tôi đã nói ở trên, đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh xác định là lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Và có điểm rất thuận lợi là Hà Nội đã xây dựng xong và sắp ban hành Khung kiến trúc, chiến lược, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2025, định hướng đến năm 2030. Khung kiến trúc sẽ giúp việc định hướng, làm nền tảng để kết nối, điều hành giữa các thành phần khi triển khai đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

Trong đề án này có rất nhiều nội dung, theo bà Sở TT-TT sẽ chọn những nội dung nào để lựa chọn là khâu đột phá, có sức lan tỏa, và kết quả dự tính nếu đề án đi vào cuộc sống là gì?

Dù có đến 6 tiêu chí để xác định một thành phố thông minh, tuy nhiên, ngay cả trên thế giới, mỗi thành phố cũng lại xác định một hướng trọng tâm, chẳng hạn như các nước châu Âu thường hướng tới việc môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh. Các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hướng nhiều hơn đến việc ứng dụng CNTT-TT trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, y tế, giao thông, giáo dục, quản lý đô thị...

Đối với thành phố Hà Nội, chúng tôi xác định bên cạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử làm trung tâm thì một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân như giáo dục (xây dựng “trường học và lớp học thông minh”, tạo môi trường học tập tương tác, sáng tạo, xây dựng kho dữ liệu giáo dục,... tiến tới hình thành “xã hội học tập”), y tế (bệnh viện và bệnh án điện tử, hỗ trợ chẩn đoán, chữa bệnh từ xa... kết nối để xây dựng mạng thông tin y tế), giao thông (hệ thống giám sát, điều phối giao thông, quản lý phương tiện giao thông công cộng và cung cấp các tiện ích hỗ trợ cho người dân). Các lĩnh vực này sẽ là ưu tiên trọng tâm, với mục tiêu để nhiều người dân ngày càng thụ hưởng được nhiều hơn nữa hiệu quả của ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng xã hội thông tin. Tôi cho rằng, sự hài lòng của người dân chính là thước đo thành công của đề án.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.