Xét xử vụ buôn lậu gỗ trắc “khủng” ở Quảng Trị

TP - Sáng 30/10, TAND TP Đà Nẵng khai mạc phiên sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra ở tỉnh Quảng Trị. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi có tội hay không trong thời gian qua, khởi tố ngày 6/4/2012, qua nhiều lần điều tra và điều tra bổ sung, ngày 7/5/2014 Viện KSNDTC có cáo trạng.
Xét xử vụ buôn lậu gỗ trắc “khủng” ở Quảng Trị ảnh 1

Ông Liệu đứng trả lời thẩm vấn

Hội đồng xét xử do Phó chánh toà hình sự TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh làm chủ tọa. Cả 5 bị cáo có mặt, gồm vợ chồng chủ Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) là ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố tội buôn lậu; 3 công chức hải quan bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ở Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng ở Cục Hải quan TP Đà Nẵng. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, Cục Hải quan TP Đà Nẵng cùng hàng chục nhân chứng có mặt.

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, Cty Ngọc Hưng nhập lô gỗ trắc từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), sau đó xuất cho doanh nghiệp Hồng Công qua cảng Đà Nẵng. Trên đường đưa gỗ xuống cảng, Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) khám xét một container, phát hiện có gỗ giáng hương nên giữ lại và vụ án buôn lậu được khởi tố. Số gỗ đã xếp xuống tàu phải bốc lên, cả lô gỗ bị tạm giữ. 


Cáo trạng cho rằng Cty Ngọc Hưng đã “lập bộ hồ sơ, chứng từ giả, sau đó dùng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 63.619.706.500 đồng”. Còn ông Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng xuất khẩu “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao” nên không phát hiện được khối lượng lớn gỗ ngoài kê khai của Cty Ngọc Hưng, trong đó có gần 24 m3 gỗ giáng hương (Cty Ngọc Hưng kê khai chỉ có 535,8 m3 gỗ trắc). Ông Đỗ Danh Thắng cũng “không làm hết trách nhiệm”, để gỗ xếp xuống tàu phải tốn tiền bốc lên cùng chi phí lưu bãi hơn 1 tỷ đồng.

Cả ngày, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung, là GĐ và PGĐ Cty Ngọc Hưng. Ông Liệu khai, Cty Ngọc Hưng nhập lô gỗ trắc từ Lào vào ngày 17/12/2011. Khi gỗ còn ở Lào, đã có doanh nghiệp của Hong Kong đồng ý mua, nên hai ngày sau khi vào nước ta, nguyên lô gỗ được làm thủ tục xuất khẩu. Gỗ từ Lào chở bằng xe, vào nước ta được xếp vào 22 container và đưa xuống tàu ở cảng Đà Nẵng. 

Tòa hỏi, tại sao khai báo gỗ trắc mà thực tế có gỗ giáng hương. Ông Liệu khai, lô gỗ trắc đến 535,8 m3 gồm rất nhiều loại, từ gỗ tròn đến gỗ xẻ và cành ngọn, kiểm tra không thể phát hiện được hơn 20 m3 gỗ giáng hương xẻ nhỏ như bàn tay lẫn trong đó. Vì giá gỗ giáng hương rẻ không bằng nửa gỗ trắc, nên sau khi xuất khẩu mà doanh nghiệp Hồng Công phát hiện, yêu cầu trả lại số tiền chênh lệch thì sẽ trả, trong kinh doanh việc này là bình thường. Còn về thuế nhập khẩu tạm đóng, kê khai toàn bộ là gỗ trắc phải đóng cao hơn thực tế có lẫn gỗ giáng hương, nên sai sót kê khai không gây thiệt hại cho nhà nước.

Về khối lượng lô gỗ, theo hợp đồng mua của Lào và xuất khẩu sang Hong Kong cũng như Cty Ngọc Hưng kê khai là 535,8m3. Thế nhưng, Cơ quan CSĐT trưng cầu giám định với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hai lần ra hai kết quả khác nhau: 453,103m3 và 614,672m3. Tòa hỏi, tại sao Cty Ngọc Hưng kê khai khác với giám định. Ông Liệu trả lời, Cty Ngọc Hưng đo, còn giám định lại cân lên rồi tính ra khối lượng. Tòa lại hỏi, tại sao các biên bản giám định có chữ ký của ông? Ông Liệu trả lời, phương pháp cân gỗ lên tính ra khối lượng ông không hiểu và chưa từng làm nên bảo ký thì ông ký.
Ngày 31/10, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Vụ án do Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố rồi chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an. Sau hơn hai tháng điều tra, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành taội buôn lậu”.

Theo C46, Cty Ngọc Hưng khai báo chưa đúng số lượng và chủng loại gỗ nhưng “không trái với những quy định củ nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu những sản phẩm này”.

Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, từ đó lại vòng sang C44 của Bộ Công an và các kết luận điều tra vụ án do C44 thực hiện.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.