Các bị cáo đùn đẩy trách nhiệm

Các bị cáo đùn đẩy trách nhiệm tại tòa ngày 28-3
Các bị cáo đùn đẩy trách nhiệm tại tòa ngày 28-3
TP - Hôm qua, HĐXX dành phần lớn thời gian thẩm vấn các bị cáo về Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, gây thiệt hại hơn 316 tỷ đồng, lớn thứ hai sau thương vụ mua tàu Hoa Sen.

> Mua tàu nghìn tỷ để… thử nghiệm

Theo kết quả điều tra, đây là dự án mắc nhiều sai phạm điển hình trong đầu tư, như phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện, vi phạm Luật Điện lực; không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị không có giấy phép hoạt động điện lực; khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, vi phạm Luật Xây dựng; cho vay vốn sai quy định…

Đổ trên, đùn dưới

Với hàng loạt sai phạm trên, nhưng khi trả lời HĐXX về dự án, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Cty Hoàng Anh Vinashin) đã thoái thác trách nhiệm của chủ đầu tư, cho rằng hành vi của mình không cấu thành tội phạm.

Ông Tuyên khai không nắm được dự án có nằm trong quy hoạch của ngành điện hay không. Bị cáo này chỉ thừa nhận có sai phạm trong sử dụng tiền vốn một thời gian ngắn, sau đó đã sửa sai.

Đó là khoản tiền vay của Cty Tài chính Vinashin (VFC) sau đó chuyển cho Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Cửu Long) để mua máy móc thiết bị cho dự án (trong đó có hơn 40 tỷ đồng vay bằng hồ sơ khống).

Về khoản tiền này, bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên Phó GĐ Cty Hoàng Anh) cũng cho rằng mình chỉ giúp việc cho Giám đốc Tuyên.

“Khi anh Tuyên bảo chuyển, tôi có ý kiến là phải có đầy đủ hợp đồng, song anh ấy nói cứ chuyển sang. Sau khi chuyển tiền, tôi nhắc thiếu một số giấy tờ, anh Tuyên nói cứ làm đi, bổ sung sau. Khoản tiền này dùng mua tôn, nhưng anh Tuyên nói phải sử dụng việc khác. Bị cáo biết là sai, có gàn, song bị cáo Tuyên không nghe”- ông Côn khai.

Bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng giám đốc VFC) thì đùn trách nhiệm cho cấp dưới trong việc thẩm định hồ sơ vay 40 tỷ đồng trên.

Với tư cách tổng thầu, ông Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Cửu Long) được xác định đã đi mua máy móc, thiết bị cũ có chất độc hại, tham gia cùng chủ đầu tư “chạy” dự án, sử dụng tiền sai mục đích. Tuy nhiên, trả lời HĐXX, bị cáo Dương cũng khăng khăng mình không gây thiệt hại gì cho dự án.

“Khi thiết bị máy móc nhập về đến cảng Hải Phòng thì bên đầu tư đã có quyết định phê duyệt dự án ở Nam Định. Với tư cách của nhà thầu, chúng tôi hiểu dự án này đã được tỉnh Nam Định cho phép.

Bị cáo có vay 300 tỷ đồng của Tập đoàn Vinashin, ghi rõ nội dung, mục đích sử dụng vốn vay. Sau này, chúng tôi mới biết các quyết định dừng dự án của Bộ Công thương” - bị cáo Dương khai.

Cho vay... mất vốn

Cuối buổi chiều qua, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo và những người liên quan tới dự án đầu tư tàu Bình Định Star, gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Đây là dự án của Cty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Bình Định, trong đó Vinashin nắm giữ 51% cổ phần.

Để thực hiện dự án này (từ năm 2004), doanh nghiệp đã phải ký hợp đồng với các bên cho thuê tài chính và vay VFC. Đến tháng 3- 2010, doanh nghiệp vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các Cty cho thuê tài chính đã thu hồi và bán tàu Bình Định Star, dẫn đến VFC và Tập đoàn Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn.

Trong thương vụ này, VFC bị xác định cũng có nhiều sai phạm trong giải ngân. Một trong những người phải chịu trách nhiệm chính là Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng GĐ VFC) đã bỏ trốn, đang bị truy nã.

Còn bị cáo Trịnh Thị Hậu, lúc đó đang làm cấp phó cho ông Tùng, bị xác định có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại về gốc và lãi vay hơn 30 tỷ đồng. Song, cũng như ở các vụ việc khác, bà Hậu cũng phủ nhận trách nhiệm, khẳng định mình không phạm tội.

Trong một diễn biến khác, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, gây thiệt hại 27,3 tỷ đồng. Các luật sư tập trung chất vấn Giám định viên của VinaControl để làm rõ mức độ thiệt hại.

Khi Giám định viên cho biết, việc đánh giá thực trạng của con tàu được tiến hành trong 2 ngày, luật sư Trần Hồng Phúc (bảo vệ cho bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin) liền vặn: Theo thống kê có 3.569 sản phẩm. Vậy với thời gian như vậy, đoàn công tác làm thế nào để đánh giá hết chừng ấy thiết bị? Có thiết bị nào không hoạt động hoặc bỏ ngoài đánh giá không?

Hôm nay (29-3), phiên tòa tiếp tục với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và tranh tụng.

Được hỏi về dự án nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình khai: “Tôi đã sai, nhưng cáo trạng buộc tội trực tiếp tổ chức công việc và về gây thiệt hại thì tôi không nhất trí.

Tôi chỉ chỉ đạo chứ không tổ chức được... Đây là dự án nhóm B, là dự án độc lập trong thời điểm ấy, chưa có quy định phải báo cáo Chính phủ trước tháng 8-2006”. Ông Bình nói đến đây, HĐXX cắt lời, khẳng định bị cáo không có tư cách để ký quyết định phê duyệt dự án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.