Ai để lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Đắk Hà?

Hàng chục thân gỗ có đường kính khoảng 40cm bị cưa hạ.
Hàng chục thân gỗ có đường kính khoảng 40cm bị cưa hạ.
TP - Phá rừng là tội ác nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “đóng cửa rừng”, đồng thời xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức phá rừng tự nhiên. Tuy vậy, rừng phòng hộ Đắk Hà (Kon Tum) vẫn bị lâm tặc cạo trọc.

Đến rừng phòng hộ cách xã Ngọc Réo khoảng 5km, chúng tôi đã thấy một bãi gỗ vừa mới bị lâm tặc mang đi, hiện trường để lại những mảng bìa lót dưới đất trũng sâu xuống. Cách đó không xa là hàng chục gốc cây dổi, huỳnh đàn trắng, chò xót,… mới bị hạ xuống có đường kính khoảng 40cm. Người dẫn đường cho biết những lóng gỗ khi được xẻ vuông vắn sẽ được đưa ra bằng xe máy cày, sau đó tập kết tại điểm có tên bãi dổi. Vị trí này giáp ranh giữa huyện Đắk Hà, Kon Rẫy và TP Kon Tum (Kon Tum), khi đủ số lượng sẽ có những xe khác vào vận chuyển đi tiêu thụ.

Đi thêm vài chục bước chân, thân gỗ hai người ôm, đường kính khoảng 80cm lộ ra, mùn gỗ với dầu cưa máy tạo ra mùi khó chịu. Chưa đi hết những nơi bị tàn phá đã thấy khoảng 200 gốc cây bị cưa hạ. Lâm tặc ở đây rất “xa xỉ” khi chỉ lấy khoảng 2m phần thịt gỗ lớn, phần còn lại bị vứt bỏ ngổn ngang. Người dẫn đường cho biết diện tích bị tàn phá rất nhiều, lâm tặc chọn nơi có nhiều cây gỗ lớn để phá nên rất khó thống kê diện tích rừng bị “oanh tạc”.

Theo ông Nguyễn Xuân Linh (Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà), để ngăn chặn việc phá rừng tại xã Ngọc Réo, Ban đã lập  3 trạm quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể là 2 trạm nằm dọc tuyến đường liên xã, 1 trạm nằm trong làng Kon Krơk. Ngoài ra, UBND huyện Đắk Hà cũng mới thành lập thêm 1 chốt liên ngành. Lực lượng kiểm lâm biết các đối tượng khai thác gỗ trên địa bàn chủ yếu là người ở xã Đắk Cấm (TP Kon Tum, Kon Tum) vào khai thác trộm. Về việc có hay không chuyện tiếp tay của ngành chức năng cho các đối tượng lâm tặc, ông Linh thừa nhận: “Nói có tiếp tay thì không có bằng chứng, nhưng nói không có thì không phải, bởi vì dư luận nói vẫn có”.

Ông Linh giải thích rằng ngay khi nhận được tin báo rừng bị phá, lực lượng kiểm lâm phối hợp truy quét nhưng khi vào tận nơi thì không còn bóng dáng lâm tặc. Điều này có khả năng trong Ban có “nội gián” thông báo cho lâm tặc. Tuy Ban và UBND xã Ngọc Réo đã có văn bản quán triệt không giải quyết việc xin gỗ làm nhà cho bất kỳ trường hợp nào nhưng điều lạ là khi bắt xe gỗ của dân thì họ lại trình ra giấy xin gỗ làm nhà, có xác nhận của chính quyền xã.

Phóng viên đến đăng ký làm việc với ông A Vượng - Bí thư huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Quản lý bảo vệ rừng huyện và ông Trịnh Xuân Long - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Hà nhưng cả hai ông này cùng chối với lý do “bận họp”.

MỚI - NÓNG