Anh em ông Vươn đề nghị hủy án với 5 cựu quan chức Tiên Lãng

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm
TPO - Tại phiên xử sáng nay (1/8), các bị hại Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đều đề nghị Hội đồng xét xử tuyên huỷ bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại vụ án.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Ảnh chụp qua màn hình

Năm luật sư bảo vệ bị hại

8 giờ sáng nay, 1/8, liên quan đến vụ UBND huyện Tiên Lãng cưỡng chế trái pháp luật khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) ngày 5/1/2012, Hội đồng xét xử phúc thẩm hình sự, Toà án Nhân dân Tối cao bắt đầu xử vụ án Hủy hoại tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ra xét xử.

Năm bị cáo nguyên là lãnh đạo huyện Tiên Lãng gồm cựu chủ tịch huyện Lê Văn Hiền (55 tuổi), cựu Phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi), cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phạm Xuân Hoa (58 tuổi), cựu Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm (50 tuổi, em trai ông Hiền) và cựu Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan (53 tuổi).

Tuy bị cáo Hiền không kháng cáo và bị kháng nghị nhưng trong phiên tòa phúc thẩm này, Hội đồng xét xử vẫn yêu cầu triệu tập ông Hiền đến tòa để làm rõ một số tình tiết trong vụ án.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Hồng Phúc. Kiểm sát viên Lê Hồng Thắng là người đại điện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cáo giữ quyền công tố tại tòa.

Bốn bị hại của vụ án là vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn, bà Nguyễn Thị Thương và vợ chồng ông Đoàn Văn Quý, bà Phạm Thị Báu. Sáu nhân chứng và một thành viên Hội đồng định giá tài sản có mặt tại tòa. Năm luật sư tham gia phiên tòa đều bảo vệ cho các bị hại. Các bị cáo không mời luật sư.

Phiên tòa diễn ra tại trụ sở Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng (đường Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng) trong hai ngày 1 và 2/8. Bị cáo Khanh được tại ngoại từ ngày 28/6.

Ngay đầu giờ xét xử, kiểm sát viên Lê Hồng Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tư cách của ông Vũ Văn Luân (50 tuổi, ở xóm 9, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng) về việc bị hại Nguyễn Thị Thương ủy quyền toàn bộ cho ông Luân là người đại diện cho bà Thương tại phiên tòa phúc thẩm này. (Trước đó, bà Thương đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị ủy quyền cho ông Luân là người đại diện cho mình tại phiên tòa phúc thẩm).

Sau ít phút hội ý, chủ tọa phiên tòa tuyên bố đồng ý với ý kiến của vị đại diện viện kiểm sát và nói nhận thấy ông Luân không thuộc diện được ủy quyền vì vậy ông Luân không được tham gia tố tụng.

Chủ tọa phiên tòa cũng bác đề nghị của luật Trần Vũ Hải khi ông Hải đề nghị để ông Luân tham gia phiên xử cùng bà Thương với tư cách là người có liên quan, có nhiều thông tin về vụ án.

Các bị cáo Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh, Lê Thanh Liêm và Phạm Xuân Hoa trong phiên phúc thẩm sáng nay (1/8)
Các bị cáo Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh, Lê Thanh Liêm và Phạm Xuân Hoa trong phiên phúc thẩm sáng nay (1/8).

Bị hại xin giảm án cho bị cáo Khanh

Chuyển sang phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa tóm tắt lại nội dung vụ án và bản án sơ thẩm. Theo đó, bị cáo Lê Văn Hiền đã không thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao là cụ thể không kiểm tra, giám sát chuẩn bị cưỡng chế và trong quá trình cưỡng chế nên không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm pháp luật của bị cáo Khanh và đồng phạm.

Bị cáo Nguyễn Văn Khanh có vai trò cao nhất trong việc chỉ đạo, thực hiện việc phá dỡ nhà và tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý. Bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm và Phạm Đăng Hoan thực hiện tích cực ý kiến chỉ đạo của bị cáo Khanh trong việc huỷ hoại tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý...

Toàn bộ tài sản bị hủy hoại gồm ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Quý, ngôi nhà một tầng của gia đình ông Vươn, các công trình phụ liền kề, các chuồng chăn nuôi, giường tủ... theo kết quả định giá là hơn 295 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, các bị hại Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đều đề nghị phiên tòa phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại vụ án. Tuy nhiên sau đó, ông Vươn nói “nếu Hội đồng xét xử không tuyên hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại thì tôi đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo, Hoa, Liêm và Hoan, xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Khanh và tăng mức bồi thường về tài sản của gia đình bị thiệt hai.”

Cả 4 bị hại đều đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Khanh và tăng hình phạt đối với các bị cáo Hoa, Liêm và Hoan.

Bị hại Phạm Thị Báu nói “Gia đình tôi không yêu cầu ông Khanh phải bồi thường thiệt hại về trách nhiệm dân sự đối với tài sản bị hủy hoại. Ông Khanh với gia đình tôi không có thù oán gì mà chỉ do ông không giám sát được cấp dưới nên mới để xảy ra việc như vậy. Ông Khanh là một cán bộ tốt, phục vụ dân hết lòng, có nhiều cống hiến, gia đình có công với cách mạng. Gia đình ông Khanh cũng đã giúp đỡ, chia sẻ với gia đình chúng tôi trong lúc khó khăn này...”

Trả lời chủ tọa phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Khanh thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm án và được hưởng án treo. Bị cáo Khanh nói chỉv thực hiện chủ trương của UBND huyện, không có mục đích cá nhân, không thù oán gì với gia đình ông Vươn, gia đình đã khắc phục hậu quả về bồi thường dân sự, bản thân lại bệnh tật...

Ba bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm và Phạm Đăng Hoan đều xin Hội đồng xét xử giảm hình phạt. Hai bị cáo Liêm và Hoan xin được hưởng mức án cảnh cáo.

Tại phiên tòa, ông Vươn cho biết gia đình ông đang khởi kiện đòi bồi thường gần 60 tỷ đồng về thiệt hại đã gây ra.

Về số tiền hơn 295 triệu đồng là kết quả định giá giá trị toàn bộ tài sản bị huỷ hoại, ông Nguyễn Văn Tuấn (thành viên Hội đồng giám định) nêu ra các căn cứ đề định giá tài sản hủy hoại dựa trên các căn cứ thực tế và qui định của nhà nước đúng theo qui định pháp luật.

Bị cáo Liêm khai không biết rõ cụ thể diện tích cần cưỡng chế vì do UBND huyện quản lí và cũng không nhớ nội dung biên bản bàn giao hiện trường ngày 5/1/2012.

Chiều nay, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần xét hỏi.

Bản án sơ thẩm vụ án Hủy hoại tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau: Bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Lê Văn Hiền bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, 30 tháng thử thách. Ba bị cáo bị xét xử về tội Hủy hoại tài sản đều được hưởng án treo là Phạm Xuân Hoa 24 tháng, 48 tháng thử thách; Lê Thanh Liêm 24 tháng, 48 tháng thử thách và Phạm Đăng Hoan 15 tháng, 30 tháng thử thách. Cùng bị xét xử về tội Hủy hoại tài sản, bị cáo Nguyễn Văn Khanh bị 30 tháng tù. Cả 5 bị cáo đều bị cấm đảm nhiệm chức vụ ở trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong thời hạn một năm kể từ thời gian sau khi thi hành xong án phạt tù. Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng yêu cầu bốn bị cáo Khanh, Hoa, Liêm và Hoan phải bồi thường thiệt hại hơn 295 triệu đồng cho gia đình ông Vươn, ông Quý...

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".